Người mẫu Châu Kim Sang đang được điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM). Cô lâm vào tình trạng hôn mê sâu, sức khỏe nguy kịch.
Căn bệnh có nhiều biến chứng rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới cả tim mạch, thần kinh
Châu Kim Sang sinh năm 1996 quê ở An Giang. Cô được biết tới lần đầu qua chương trình Chinh phục hoàn mỹ 2019. Năm 2020, cô tham gia cuộc thi Đại sứ hoàn mỹ và chọn về đội Minh Tú nhưng sớm dừng chân ở tập 3. Sau cuộc thi, cô hoạt động trên nhiều sàn diễn thời trang với tư cách người mẫu chuyển giới.
Vào giữa tháng 7, Châu Kim Sang nhập viện điều trị ung thư xương.
Về bệnh ung thư xương, Bác sĩ CKII Lâm Quốc Trung, Phó trưởng khoa Hóa trị ung thư Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết ung thư xương ngày càng gia tăng.
Theo BS Trung, ung thư xương là loại ung thư liên kết từ 3 loại tế bào: Tế bào tạo xương, tế bào tạo sụn và tế bào liên kết của mô xương. Ung thư xương có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào của xương nhưng hay gặp nhất là đoạn xương dài, xương cánh tay, xương chậu, xương đùi.
Ung thư xương có tần suất phát hiện cao ở trẻ em và trẻ vị thành niên từ 9 – 19 tuổi, ở người lớn vẫn có nhưng ít hơn. Không chỉ đe dọa tính mạng, bệnh còn gây tàn phế, làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh.
BS Trung cho biết nguyên nhân của ung thư trong xương chưa được xác định chính xác, nhưng có một số yếu tố nhất định có thể góp phần gây ra hoặc làm tăng khả năng hình thành các khối u phát triển bất thường trong xương của một người.
Các yếu tố nguy cơ là yếu tố di truyền - những người có tiền sử gia đình bị ung thư, đặc biệt là ung thư liên quan đến xương hoặc sụn; người đã từng được điều trị hoặc xạ trị trong quá khứ; người bị bệnh Paget: là một tình trạng khiến xương bị gãy và sau đó phát triển trở lại bất thường; người hiện tại hoặc trước đây có nhiều khối u trong sụn, là mô liên kết trong xương.
Các triệu chứng thường được phát hiện theo từng giai đoạn phát triển của bệnh.
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng thường không rõ ràng khiến người bệnh bỏ qua như đau mỏi chân tay, vận động yếu.
Khi khối u tiến triển lớn dần lên, các triệu chứng cũng thay đổi theo tốc độ phát triển của khối u. Người bệnh có thể gặp một số triệu chứng như đau xương tăng dần, đau liên tục, đau lan sang cả các vùng lân cận, sưng tấy ở vị trí đau, người mệt mỏi, sốt nhẹ, giảm cân không rõ nguyên nhân. Xương dễ bị gãy, có thể sờ thấy hạch cứng rắn chắc trong các xương dài của chi trên và chi dưới.
Dù có nhiều triệu chứng nhưng triệu chứng đau là điển hình. Vì vậy, khi có dấu hiệu đau mỏi ở xương khớp, người bệnh nên tới các cơ sở y tế để kiểm tra.
Để chẩn đoán bệnh ung thư xương nguyên phát, chúng ta cần biết các giai đoạn của bệnh. Các giai đoạn này mô tả vị trí của ung thư, tiến triển như thế nào và mức độ ảnh hưởng của nó đến các bộ phận khác của cơ thể:
Giai đoạn 1: không lây lan từ xương.
Giai đoạn 2: chưa lây lan nhưng có thể xâm lấn, khiến nó trở thành mối đe dọa đối với các mô khác.
Giai đoạn 3: khối u đã di căn đến một hoặc nhiều vùng của xương và xâm lấn.
Giai đoạn 4: khối u đã lan đến các mô xung quanh xương và đến các cơ quan khác như phổi hoặc não.
Bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp sau để xác định giai đoạn tiến triển của tế bào ung thư như sinh thiết, phân tích một mẫu mô nhỏ để chẩn đoán ung thư; quét xương, kiểm tra tình trạng của xương, chẩn đoán hình ảnh bao gồm chụp Xquang, chụp MRI, chụp CT để có thể đánh giá sâu về bệnh.
BS Trung khuyến cáo ung thư xương không biết rõ nguyên nhân nên khó phòng bệnh, nhưng người có yếu tố trên có thể theo dõi bệnh làm sao để phát hiện sớm ung thư xương ở giai đoạn đầu để có hướng điều trị ban đầu tốt hơn.
VietBF @ Sưu tầm