Sự kiện bất thường chứng tỏ Đài Loan tuyệt vọng cùng cực, sắp "đại bại" trước Trung Quốc. Vốn đang sợ mất thêm một đồng minh khác vào tay Trung Quốc, Đài Loan đang nỗ lực thúc đẩy chiến lược “tấn công quyến rũ” trước thềm cuộc bầu cử bước ngoặt của Honduras.
Tổng thống sắp mãn nhiệm của Honduras Juan Orlando Hernandez hồi cuối tuần qua đã bắt đầu chuyến thăm bất ngờ kéo dài 3 ngày tới Đài Loan (Trung Quốc) trong bối cảnh Đài Bắc lo ngại rằng tổng thống tiếp theo của quốc gia Trung Mỹ có thể cắt đứt quan hệ và chuyển hướng sang Bắc Kinh.
Sự tuyệt vọng về ngoại giao của Đài Loan?

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tiếp đón Tổng thống Honduras Hernandez tại Văn phòng ở Đài Bắc hôm 13/11. Ảnh: CNA
Theo lời mời của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, Tổng thống mãn nhiệm của Honduras Juan Orlando Hernandez đến thăm Đài Loan từ ngày 12/11 đến 14/11. Cơ quan đối ngoại Đài Loan cho biết chuyến thăm của Tổng thống Hernandez có ý nghĩa to lớn đối với việc làm sâu sắc hơn "tình hữu nghị và hợp tác".
Honduras, một trong 15 quốc gia và cuối cùng của khu vực Trung Mỹ vẫn giữ "quan hệ ngoại giao" với đảo Đài Loan dưới sức ép của Mỹ, nhưng theo Thời báo Hoàn cầu, mối quan hệ hai bên đã chứng kiến nốt trầm trong những tháng qua và đó là điều khiến Đài Loan lo lắng. Vào tháng 5/2021, Honduras được cho là đã phải nhờ quốc gia láng giềng El Salvador giúp đỡ trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp vắc xin Covid-19 của Trung Quốc.
Vì vậy, chuyến đi này, như tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc dẫn lời từ các chuyên gia nhận định thì: "Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên eo biển Đài Loan, chuyến thăm cho thấy cảm giác khủng hoảng về ngoại giao của đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền ở Đài Loan và rằng bà Thái Anh Văn đang tuyệt vọng tìm cách cứu vãn các mối quan hệ thông qua "ngoại giao đồng USD".
Thực tế là chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hòn đảo này lo lắng về tương lai quan hệ với Honduras bởi chỉ vài tuần nữa quốc gia Trung Mỹ này bước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng. Và điều khiến Đài Loan lo nhất là ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế Tổng thống tương lai của Honduras Xiomara Castro công khai cam kết "cắt đứt quan hệ" với hòn đảo này và chuyển hướng quan hệ sang với Trung Quốc.
Nhưng để làm được điều đó, Honduras sẽ phải cắt đứt quan hệ với Đài Bắc vì tuân theo "nguyên tắc một Trung Quốc" của Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và hòn đảo không được phép có quan hệ chính thức với bất kỳ quốc gia nào. Trung Quốc đã và đang sử dụng các biện pháp ngoại giao, kinh tế để thuyết phục các đồng minh còn lại của Đài Loan chuyển sang công nhận Bắc Kinh.
"Kịch bản thất bại của ông Trump" tại Honduras

Bà Xiomara Castro, ứng viên Tổng thống tiềm năng của Honduras có tư tưởng chuyển hướng quan hệ sang Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo các chuyên gia, về mặt chính trị, lợi ích của chuyến đi là không rõ ràng.
Giáo sư Antonio C. Hsiang, chuyên nghiên cứu về châu Mỹ Latinh cho rằng, ông Hernandez có rất ít lợi ích chính trị trong chuyến thăm Đài Loan, do ông không thể tái tranh cử sau hai nhiệm kỳ tổng thống. Thay vào đó, ông có khả năng tới Đài Loan để tìm kiếm hỗ trợ về tài chính hoặc lợi ích khác.
Chuyên gia Zhou Zhiwei nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với Global Times rằng, tình hình dịch bệnh trong nước của Honduras đang diễn biến đáng lo ngại và nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn. Vì vậy chuyến thăm Đài Loan có thể nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt kinh tế. Bản thân Tổng thống Hernandez cũng cần sự hỗ trợ. Ông sẽ rời chính quyền vào tháng 1/2022 và có thể đối mặt nhiều rắc rối vì bị công tố viên liên bang Mỹ ở New York cáo buộc có quan hệ với các nhóm buôn lậu ma túy. Em trai của ông đã bị giới chức Mỹ bắt giữ ở Miami vào năm 2018 vì tình nghi buôn bán ma túy.
Trong khi đó, Wang Jianmin, chuyên gia cao cấp về hai bờ eo biển tại Đại học Sư phạm Minnan, tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu hôm 12/11 rằng chuyến thăm cho thấy sự lo lắng và bồn chồn của bà Thái Anh Văn. Bà Thái Anh Văn không muốn cắt đứt quan hệ với "đồng minh" vì vậy đã tìm cách củng cố mối quan hệ vào thời điểm nội bộ Honduras có nhiều bất ổn, chuyên gia Wang nói thêm.
Chuyên gia này cũng cho rằng, mặc dù có thể có sự hậu thuẫn của Mỹ ở đằng sau, nhưng nhiều khả năng Honduras đang tìm cách gây áp lực lên Đài Loan. Theo ông Wang: "Honduras có thể tìm kiếm sự hỗ trợ và cam kết của Đài Loan trong các dự án công cộng lớn, tài trợ bầu cử và phát triển kinh tế. Nhưng vấn đề là vẫn còn phải xem liệu Đài Loan có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Honduras hay không".
Bà Thái Anh Văn từng đặt cược vào chính quyền Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, nhưng ông Trump đã thua và các chuyên gia cho rằng vị nữ lãnh đạo Đài Loan này có thể đối mặt với một viễn cảnh tương tự ở Honduras.
Sau khi chi nhiều tiền cho Honduras, chính quyền Đài Loan có thể sẽ không thể giữ chân được đồng minh của họ, và đó sẽ là lý do để phe đối lập ở hòn đảo này tấn công bà Thái, chuyên Wang nhận định.
Trung Quốc "săn" các đồng minh của Đài Loan

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: CGTN
Phát biểu về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ra đòn "phủ đầu" Đài Loan khi cho biết nguyên tắc "một Trung Quốc" là quy chuẩn được công nhận rộng rãi và đạt được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế.
Vì vậy, theo chuyên gia Wang, các nhà chức trách Đài Loan phải biết rằng, ly khai là ngõ cụt, ngoại giao USD sẽ không thành công và bất kỳ nỗ lực nào đi ngược dòng lịch sử đều sẽ thất bại.
Theo tờ Diplomat, Trung Quốc mở chiến dịch "săn" các đồng minh của Đài Loan, trong khi hòn đảo này chỉ còn lại 15 đồng minh.
Kể từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên nhậm chức vào tháng 5/2016 và Bắc Kinh đơn phương quyết định hủy bỏ "thỏa thuận đình chiến ngoại giao" với chính quyền ông Mã Anh Cửu trước đó, 7 quốc gia đã chuyển công nhận Đài Bắc sang Bắc Kinh. Hai trong số đó - Panama và El Salvador - là các quốc gia Trung Mỹ đồng hương của Honduras. Khu vực Mỹ Latinh và Caribbean là nguồn đối tác ngoại giao lớn nhất của Đài Loan vào thời điểm hiện tại, chiếm 9 trong số 15 đồng minh của Đài Loan.
Trung Quốc đã và đang sử dụng các ưu đãi ngoại giao và kinh tế để thuyết phục các nước chuyển đổi công nhận ngoại giao, thường hứa hẹn kèm theo các thỏa thuận đầu tư hoặc thương mại lớn. Đài Loan cũng từng có chiến lược "ngoại giao USD" để giành hoặc giữ các đồng minh nhưng bị hủy bỏ dưới thời bà Thái Anh Văn.
Vào tháng 9, một phát ngôn viên của Cơ quan Ngoại giao Đài Loan đã cảnh báo Honduras không nên nghe theo những lời hứa "hào nhoáng và sai lầm" từ Trung Quốc và cam kết Đài Loan sẽ "thực hiện các hành động cụ thể để chứng minh sự hỗ trợ đối với Honduras".
VietBF@ sưu tập