Từ ngày 8/11, du khách quốc tế đến Mỹ bằng đường hàng không cần xuất trình chứng nhận tiêm chủng đầy đủ cho nhân viên hãng bay trước khi khởi hành, trừ số ít trường hợp ngoại lệ.
Giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 hợp lệ có thể dưới ba hình thức, theo thông tin được cập nhật ngày 5/11 trên website của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ).
Đầu tiên là loại hồ sơ có thể tra cứu được (bản cứng hoặc bản điện tử), tức chứng nhận tiêm chủng có mã QR hoặc giấy phép điện tử trên ứng dụng điện thoại có mã QR (như thẻ Covid-19 của Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh hay chứng nhận Covid-19 số của Liên minh châu Âu).
Hình thức thứ hai là hồ sơ bản cứng, tức là bản in chứng nhận chủng ngừa Covid-19 được phân phối bởi cơ quan cấp nhà nước, cơ quan cấp địa phương, hoặc cơ sở tiêm chủng có thẩm quyền cấp chứng nhận.Hình thức cuối cùng là hồ sơ bản điện tử không thể tra cứu được, tức ảnh chụp thẻ tiêm chủng, chứng nhận tiêm chủng được tải xuống từ các nguồn chính thức (như cơ quan y tế công cộng, cơ quan chính phủ, hoặc các nhà cung cấp vaccine được cấp phép khác), hoặc ứng dụng điện thoại không có mã QR.
Dù ở hình thức nào, chứng nhận tiêm chủng đều phải có thông tin định danh cá nhân (gồm tên đầy đủ cùng ít nhất một thông tin định danh khác, như ngày sinh hoặc số hộ chiếu), tên cơ quan có thẩm quyền đã cấp chứng nhận, cùng tên nhà sản xuất vaccine và ngày tiêm chủng.
Trách nhiệm xác minh chứng nhận tiêm chủng của du khách trước khi lên máy bay thuộc về các hãng hàng không, theo thông tin trên website của Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ (BCA).
Trước mắt, CDC Mỹ chỉ chấp nhận loại vaccine được Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt cùng với vaccine thuộc danh sách sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo CDC Mỹ, một người được coi là tiêm đầy đủ nếu 2 tuần đã trôi qua kể từ khi họ tiêm loại vaccine 1 mũi (như Johnson & Johnson) hoặc tiêm liều thứ hai với loại vaccine 2 mũi (như Moderna, Pfizer, AstraZeneca...).
|