Ðây là câu hỏi được không ít người đặt ra khi lựa chọn khoai tây và khoai lang để chế biến món ăn cho gia đình. Ðể tìm ra câu trả lời chính xác, các chuyên gia khuyến nghị mọi người cần tìm hiểu giá trị dinh dưỡng của hai loại củ này.
Ưu điểm dinh dưỡng của khoai lang và khoai tây
Ðể bảo vệ và tăng cường sức khỏe, mọi người thường được khuyên nên theo đuổi chế độ ăn “cầu vồng” - nghĩa là nên đảm bảo ăn 5 khẩu phần trái cây và rau củ, với đủ màu sắc bao gồm: vàng, cam, đỏ, lục, lam, chàm và tím. Ðó là vì màu sắc của mỗi loại rau quả là chỉ dấu đáng tin cậy cho thấy loại dinh dưỡng mà chúng có thể cung cấp cho người dùng. Chẳng hạn, màu cam của khoai lang đến từ beta-carotene, một hợp chất tự nhiên có trong thực vật và cũng có nhiều lợi ích sức khỏe. Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Lauren Manaker cho biết khoai lang là nguồn cung tốt về beta-carotene, dưỡng chất hữu ích cho những người đang cố gắng tăng cường sức khỏe tổng thể. Beta-carotene có thể được chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể, qua đó có thể hỗ trợ một hệ miễn dịch khỏe mạnh, cũng như giúp tăng cường sức mạnh cho khung xương. Ngoài ra, khoai lang còn chứa nhiều chất chống ôxy hóa, chất xơ và các vi chất dinh dưỡng quan trọng như kali, vitamin B6 và vitamin C.
Trong khi đó, khoai tây trắng cũng cung cấp những dưỡng chất cần thiết để hỗ trợ sức khỏe tổng thể là chất xơ, vitamin C, magiê và kali. Giống như khoai lang, khoai tây cũng chứa ít chất béo và không chứa cholesterol. Ngoài ra, khoai tây và khoai lang cũng chứa loại tinh bột khác với tinh bột thông thường. Thành phần tinh bột này được tiêu hóa chậm hơn và do đó có lợi hơn cho sức khỏe.
Khoai lang với khoai tây, loại nào tốt hơn?
Nhìn chung, khoai lang và khoai tây đều là thực phẩm tốt cho sức khỏe nếu được chế biến đúng cách và tiêu thụ vừa phải. Bởi cả hai loại đều có giá trị tương đương về các vi dưỡng chất, cũng như cung cấp lượng chất béo, prôtêin và tinh bột - đường gần giống nhau.
Tuy nhiên, khi đánh giá chi tiết về hàm lượng dưỡng chất mà hai loại củ này cung cấp, thì khoai lang có phần nhỉnh hơn khoai tây. Cụ thể, khi so sánh giữa một củ khoai lang với một củ khoai tây, thì khoai lang chứa nhiều chất xơ, vitamin A, vitamin B6, vitamin C và canxi hơn, trong khi khoai tây chứa nhiều kali hơn.
Một số nghiên cứu cho thấy ăn nhiều khoai tây làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2, đặc biệt, ăn khoai tây chiên làm tăng khả năng mắc tiểu đường lên tới 19%. Trái lại, khoai lang được xem là sự lựa chọn tuyệt vời cho bệnh nhân tiểu đường hoặc người có nguy cơ tiểu đường. Nguyên do là vì khoai lang có chỉ số đường huyết (GI) thấp hơn, nên không khiến lượng đường trong máu tăng đột biến như khoai tây. Ðơn cử, GI của một củ khoai tây luộc vào khoảng 78, trong khi GI của một củ khoai lang luộc là 63.
Tiến sĩ Adelia C. Bovell-Benjamin, giáo sư khoa học thực phẩm và dinh dưỡng tại Ðại học Tuskegee (Mỹ), cho biết hầu hết phương pháp chế biến khoai tây và khoai lang - như luộc, hấp, nướng - đều tốt cho sức khỏe, do chúng đều giúp bảo tồn giá trị dinh dưỡng của cả hai loại khoai. Do đó, tùy thuộc vào sở thích ăn uống và thể trạng của mỗi người, mà bạn có thể lựa chọn loại khoai phù hợp để kết hợp vào chế độ ăn uống hằng ngày. Song, tránh ăn quá nhiều khoai tây chiên, vì có thể làm tăng lượng calo và chất béo dung nạp vào cơ thể, dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe.