Theo như việc căng thẳng gia tăng quanh khu vực chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương đang khiến các quốc gia liên quan nỗ lực tăng cường khả năng răn đe dưới biển, vì vậy có vẻ như trong lĩnh vực tác chiến chống ngầm, Trung Quốc đang hụt hơi trước Mỹ và Nhật Bản.
Báo Trung Quốc chỉ ra điểm yếu trong hải chiến của Bắc Kinh?
Căng thẳng gia tăng quanh khu vực chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương đang khiến các quốc gia liên quan nỗ lực tăng cường khả năng răn đe dưới biển. Một trong số những vũ khí chiến lược trong cuộc đua lần này chính là phương tiện bay không người lái (UAV) chống tàu ngầm.
Và đây cũng là vấn đề gây đau đầu đối với Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Mỹ xoay trục tăng cường sự ảnh hưởng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Một tạp chí quân sự của Trung Quốc mới đây đã thúc giục chính phủ Trung Quốc nỗ lực phát triển các UAV mới chống tàu ngầm để tăng cường năng lực đối phó các tàu ngầm tiên tiến từ các đối thủ Mỹ và Nhật Bản.

Đồ họa mô phỏng khả năng săn ngầm của UAV (Ảnh: People).
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tạp chí quốc phòng Trung Quốc Ordnance Industry Science Technology đã đăng một bài báo trong tháng này cho rằng một khi đã nắm bắt được những công nghệ tiên tiến, Bắc Kinh cần phát triển các nền tảng UAV chống ngầm:
"Một phương thức tác chiến chống tàu ngầm mới có thể được phát triển sau khi triển khai phương tiện hỗ trợ UAV tuần tra chống tàu ngầm trong các chiến dịch tuần tra hàng hải bình thường.
Nó có thể giúp phát hiện tàu ngầm nhanh chóng và tăng cường năng lực tuần tra chống tàu ngầm".
Khi có UAV thì không còn cần phi hành đoàn và cả hệ thống kiểm soát môi trường vốn rất cần thiết trên một máy bay có người lái. UAV có thể sử dụng đầy đủ các lợi thế của nó là được kết nối mạng, kích hoạt mạng và không người lái".
Cũng theo tờ báo này, UAV cũng không đòi hỏi yêu cầu an toàn cao như so với máy bay có người lái.
"Nó không chỉ có thể bay ổn định ở độ cao thấp hơn so với máy bay có người lái mà còn có thể sử dụng trong điều kiện thời tiết phức tạp".
Theo tạp chí này, các UAV không cần nhiều thiết bị trên không và dễ dàng sử dụng hơn, phù hợp cho các hoạt động truy lùng dài hạn nhằm vào tàu ngầm.
Ở cuối bài viết, tờ báo này chỉ rõ rằng Mỹ và Nhật Bản là động lực số 1 để Trung Quốc tăng cường chiến lược phát triển UAV cho các hoạt động chống tàu ngầm.
"Trung Quốc đã phát triển máy bay tuần tra chống ngầm. Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực của máy bay có người lái này, khiến chúng không thể đáp ứng nhu cầu chiến đấu trong tương lai để chống lại các tàu ngầm tiên tiến của các nước như Mỹ và Nhật Bản".

UAV Tengden TB-001 bay trình diễn tại triển lãm Zhuhai-2021 hôm 28/9 (Ảnh: EPA).
Trung Quốc có đuổi kịp Mỹ, Nhật?
Tác giả bài báo cũng kêu gọi chính quyền Bắc Kinh phát triển các công nghệ liên quan cho máy bay tuần tra chống tàu ngầm thế hệ tiếp theo để duy trì sự chủ động khi đối phó với tàu ngầm của đối thủ.
Máy bay tuần tra chống tàu ngầm của Trung Quốc, KQ-200 - còn được gọi là Y-8Q hoặc GX-6, là máy bay tuần tra chống ngầm hiện đại đầu tiên do Trung Quốc thực sự nghiên cứu phát triển.
Đây là một trong những phương tiện chống ngầm và quản lý tuần tra trên biển quan trọng nhất từ trên không của Hải quân quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Nó được phát triển trên cơ sở trên 3 loại máy bay vận tải Yun-8, Yun-9 và còn được gọi là Cao Tân 6 hay Y-8Q.
Nó có động cơ phản lực cánh quạt 6 cánh WJ-6C, được trang bị một radar tìm kiếm bề mặt dưới mũi, một trọng tải điện quang dưới thân máy bay và một máy dò dị thường từ tính ở đuôi.
Loại máy bay này, được sản xuất hàng loạt từ năm 2015, có tầm bay khoảng 5.000 km và khả năng tuần tra khoảng 10 giờ.
Theo ông Timothy Heath, một chuyên gia an ninh cấp cao từ tổ chức tư vấn Rand của Mỹ, việc phát triển UAV tuần tra chống tàu ngầm có cả lợi thế và thách thức:
"Ưu điểm chính của UAV chống ngầm là nó mở rộng phạm vi hoạt động và giảm chi phí cho các nỗ lực chống tàu ngầm.
Tuy nhiên, thách thức kỹ thuật chính là hạn chế về khả năng chuyên chở của các phi đội UAV.
Các biến thể UAV được quân đội Mỹ thử nghiệm chỉ có thể mang khoảng 10 sonobuoy (phao âm để phát hiện tàu ngầm), chỉ bằng 1/4 trọng tải của máy bay chống ngầm P-8 Poseidon".

Mỹ đã vượt xa Trung Quốc trong lĩnh vực tác chiến dưới biển nhưng Hải quân PLA cũng đã chi hàng tỷ USD để hiện đại hóa, cải tiến công nghệ và thu hẹp khoảng cách. Ảnh: Reuters
Chuyên gia này cho biết thêm: "Giải pháp có thể sẽ là triển khai nhiều UAV với trọng tải nhỏ hơn để bao phủ cùng một khu vực mà chỉ cần một máy bay lớn có người lái có thể thực hiện được.
Nhưng điều này lại đòi hỏi năng lực thu thập và xử lý tín hiệu từ xa, điều này có những khó khăn kỹ thuật riêng".
Ông Ridzwan Rahmat, nhà phân tích quốc phòng chính của Tạp chí quân sự Janes, cho biết, khả năng săn ngầm của các giàn UAV phụ thuộc rất nhiều vào các hệ thống săn tàu ngầm mà họ có thể triển khai.
"Và trong khi lĩnh vực tác chiến chống tàu ngầm bằng UAV có nhiều tiến bộ, các hệ thống có người lái cũng không bị loại bỏ hoàn toàn, vì vậy hoạt động săn tàu ngầm trong tương lai có thể sẽ liên quan đến sự kết hợp của các phương tiện có người lái và không người lái trên không, trên bộ và cả trên biển".
Trong khi Trung Quốc vẫn đang nghiên cứu cách phát triển loại các UAV tiên tiến này, Mỹ đã dẫn đầu. Vào tháng 1, Hải quân Mỹ lần đầu dùng UAV cho sứ mệnh săn tàu ngầm ở Thái Bình Dương.
Công ty General Atomics của Mỹ mới đây đã thông báo về việc họ phát triển một biến thể UAV loại MQ-9A lần đầu tiên đã dùng sonobuoy để săn tàu ngầm.
Chiếc MQ-9 có thể thả 10 sonobuoy với nhiệm vụ chống ngầm hoặc đo đạc điều kiện vùng nước và trong trường hợp đối phó với một tàu ngầm mô phỏng kẻ địch, nó có thể bám theo mục tiêu suốt 3 giờ trước khi truyền dữ liệu.
Đây được đánh giá là thử nghiệm thành công đầu tiên trên thế giới trong đó một UAV được sử dụng để triển khai hệ thống tác chiến chống ngầm tự hành trên biển.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, dù Washington hiện đã vượt xa Bắc Kinh trong lĩnh vực tác chiến dưới biển nhưng PLAN cũng đã chi hàng tỷ USD để hiện đại hóa, cải tiến công nghệ và thu hẹp khoảng cách.
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng có nhiều UAV đã đưa vào hoạt động để thực hiện các nhiệm vụ dưới biển, trên mặt đất hoặc trên không, và đã xuất khẩu UAV có vũ trang sang các nước khác, bao gồm cả Pakistan và Arab Saudi.

Đồ họa về hoạt động thương mại của UAV Trung Quốc.