'Cơn bão hoàn hảo' tấn công hệ thống cung ứng toàn cầu. Điều đó có nghĩa là xảy ra tình trạng tắc nghẽn, gián đoạn chuỗi cung ứng gây sức ép lớn lên các doanh nghiệp trên toàn cầu. Người tiêu dùng cũng sẽ đối mặt với mùa mua sắm cuối năm khó khăn hơn.
Những nút thắt trong chuỗi cung ứng đè nặng lên các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Yahoo Finance dẫn lời ông Adam Compain - Phó chủ tịch cấp cao của nhà cung cấp công nghệ chuỗi cung ứng project44 - cho biết rất khó để xử lý những trở ngại đang gây ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu.
"Một 'cơn bão hoàn hảo' đang diễn ra", ông Compain khẳng định. Ông Compain nêu 3 lý do chính khiến nhu cầu đối với xe tải chở hàng tăng cao và các cảng rơi vào tình trạng tắc nghẽn.
"Đầu tiên và quan trọng nhất, nhu cầu của khách hàng chỉ tăng và tăng", ông giải thích. Các công ty tăng mua ồ ạt vì lo ngại về việc thiếu hụt linh kiện hoặc sản phẩm. Cùng với đó là xu hướng mua sắm trực tuyến gia tăng trong thời kỳ dịch Covid-19.
Do ảnh hưởng của đại dịch và các hạn chế đi lại để ngăn ngừa virus lây lan, nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng vọt. Ảnh: Reuters.
"Cơn bão hoàn hảo"
“Đối với các chuyên gia hậu cần, sự tăng vọt đáng kinh ngạc của thương mại điện tử đòi hỏi một sự sắp xếp và đồng bộ hóa ở mức độ hoàn toàn mới", ông Abe Eshkenazi - Giám đốc điều hành của ASCM - nhận xét.
"Thứ hai là những hạn chế của mạng lưới chuỗi cung ứng, bao gồm số lượng tài xế có thể vận chuyển hàng trong nước Mỹ và ở nước ngoài", ông Compain tại project44 giải thích.
Theo ông Compain, thứ ba là những vấn đề phức tạp trong chuỗi cung ứng. "Quá trình biến nguyên liệu thô thành thành phẩm và đưa đến tay người tiêu dùng trên toàn cầu phụ thuộc vào một loạt yếu tố phụ thuộc lẫn nhau. Quá trình đó đang gặp nhiều trở ngại ở thời điểm hiện tại", ông bình luận.
"Do đó, các chuỗi cung ứng đang gặp những thách thức rất lớn", phó chủ tịch project44 nhấn mạnh. Điều này khiến tình trạng chậm trễ gia tăng 425% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá thuê container tăng vọt trong vòng một năm qua. Ảnh: Reuters.
Đại dịch đã khiến các nhà máy phải đóng cửa, nguồn cung nguyên liệu bị gián đoạn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với chuỗi cung ứng nằm ở việc vận chuyển hàng hóa. Rắc rối bắt đầu với chính những container vận chuyển, thứ từng được xem là dồi dào, rẻ tiền nhất.
Khoảng 25 triệu container đang được sử dụng khắp thế giới để vận chuyển hàng hóa trên khoảng 6.000 con tàu. Các tập đoàn như A.P. Moller-Maersk A/S (Đan Mạch) và Cosco Shipping Holdings Co. (Trung Quốc) sở hữu hoặc vận hành những con tàu này. 10 công ty hàng đầu kiểm soát 86% công suất vận chuyển toàn cầu.
Giá và tình trạng sẵn có của container được thỏa thuận trong các hợp đồng hàng năm giữa chủ hàng và hãng vận tải. Những giao dịch này thường có các yêu cầu nghiêm ngặt, chẳng hạn chỉ vận chuyển thẳng hoặc tối thiểu 2 chuyến/tuần.
Tuy nhiên, trong vòng 18 tháng qua, nhiều công ty đã phải xóa bỏ những yêu cầu này. Thay vào đó, họ phải cố gắng giành giật các chỗ trống trên những con tàu. Trên thị trường giao ngay, giá cước hàng ngày tăng phi mã.
Ảnh hưởng người tiêu dùng
"Chỉ cần lấy cho tôi 1 chiếc container", bà RoxAnne Thomas - Giám đốc hậu cần của Gerber Plumbing Fixtures LLC - chia sẻ. "Chúng tôi phải đấu tranh liên tục với những câu hỏi, phải chi bao nhiêu tiền và có thể nhận về mấy container. Nhưng chỉ cần sau một tuần, câu trả lời đã thay đổi", bà than vãn.
Chỉ 2 năm trước, khách hàng chỉ cần trả không đến 2.000 USD để thuê một chiếc container 12 m chuyển hàng hóa từ châu Á đến Mỹ. Hiện giờ, giá đã tăng lên 25.000 USD, bao gồm phí bảo hiểm giao hàng đúng hạn.
Theo ông John McCown, nhà sáng lập Blue Alpha Capital, các hãng vận tải đã thu về số tiền lớn. Lợi nhuận của ngành trong năm nay đang trên đà cán mốc 100 tỷ USD, tăng từ khoảng 15 tỷ USD vào năm 2020.
Tổng số tàu đang đợi ở ngoài khơi các cảng Los Angeles và Long Beach gần đạt mức cao kỷ lục. Tình trạng tắc nghẽn đã bắt đầu từ tháng 7 và ngày càng nghiêm trọng
Ông Paul Ashworth của Capital Economics
Theo CNN, những chuyến đi mất nhiều thời gian hơn, khiến thời gian sử dụng của một container bị kéo dài ra. Điều đó có nghĩa là cần thêm container để tránh tình trạng hàng giao chậm.
"So với trước đây, chúng tôi cần nhiều container hơn đáng kể để vận chuyển cùng một lượng hàng hóa. Thời gian sử dụng container của một chuyến hàng chậm hơn bình thường 15-20%", ông Rolf Habben Jansen - Giám đốc điều hành của Hapag-Lloyd, một trong những hãng tàu container lớn nhất thế giới - tiết lộ.
Ngoài khơi Los Angeles và Long Beach, những tàu container tốn nhiều thời gian chờ đợi hơn. Tất cả cho thấy người tiêu dùng có thể đối mặt với một mùa mua sắm khó khăn hơn.
"Tổng số tàu đang đợi ở ngoài khơi các cảng Los Angeles và Long Beach gần đạt mức cao kỷ lục. Tình trạng tắc nghẽn đã bắt đầu từ tháng 7 và ngày càng nghiêm trọng", ông Paul Ashworth của Capital Economics viết trong một ghi chú vào ngày 1/10.
Theo ông Konstantin Krebs tại Capstan Capital, do tình trạng hàng hóa ùn ứ, thời gian chờ tàu cập cảng và dỡ hàng lâu hơn bình thường đến 4 lần. "Các con tàu bị mắc kẹt với tất cả container trên tàu. Điều đó khiến rất nhiều container không được hoạt động", ông giải thích.
"Chúng ta có thể chứng kiến tình trạng thiếu hụt trầm trọng hơn khi bước vào kỳ nghỉ lễ", ông Ashworth của Capital Economics cảnh báo. Còn theo ông Compain, vấn đề sẽ trở nên rất khó khăn.
VietBF@ sưu tập