Một nguồn tin của quân nổi dậy mới đây đã tiết lộ rằng Panjshir không hề bị cô lập như đã tưởng và đây là điều đặc biệt chỉ có trên chiến trường Afghanistan.
Thung lũng Panjshir không hề bị cô lập
Cựu phi công, sĩ quan Không quân Afghanistan (AAF) Mateen Farhang, người từng cộng tác với quân đội và các nhà thầu quân sự Mỹ trong hơn 15 năm được sinh ra ở Thung lũng Panjshir và là người dân tộc Tajik.
Vị cựu sĩ quan từng tốt nghiệp Học viện Hàng không Quân sự Krasnodar, đảm nhiệm vị trí cố vấn quân sự cho cố Tổng thống Afghanistan Burhanuddin Rabbani và hợp tác chặt chẽ với Liên minh phương Bắc của Ahmad "Shah" Massoud chống lại Taliban vào những năm 1990.
Farhang và một nhóm cựu quân nhân Afghanistan khác hiện đang là "mắt xích" trong mạng lưới viện trợ quân sự và nhân đạo cho lực lượng nổi dậy ở Panjshir - Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan (NRF).
Ngoài vũ khí và trang thiết bị quân sự khác, nhóm người này còn chuyển thuốc men, thực phẩm và tiền bạc tới cho NRF. Có thể nói các chuyến hàng viện trợ là vô cùng quan trọng đối với cuộc kháng chiến ở Panjshir vì Taliban đã chia cắt thung lũng với phần còn lại của thế giới.
Vũ khí, đạn dược đến từ đâu?
Ngồi cạnh Đại sứ Afghanistan tại Tajikistan trong sự kiện kỷ niệm 81 ngày sinh cựu Tổng thống Rabbani (người bị Taliban ám sát năm 2011) được tổ chức tại Đại sứ quán Afghanistan ở Dushanbe hôm 21/9, ông Mateen Farhang tiết lộ về nguồn cung vũ khí như sau:
"Chúng tôi mua vũ khí tại 'chợ đen' - chủ yếu là Pakistan.
Ở đó có một thị trường rộng lớn các trang thiết bị quân sự và bạn có thể mua bất cứ thứ gì mình cần".
Hiện Dushanbe cũng đã trở thành một trong những hậu phương không chính thức cho cuộc kháng chiến chống lại Taliban. Đây hiện là nơi sinh sống của một số đại diện chính phủ và giới tinh hoa Afghanistan - những người không muốn tiếp xúc với báo giới.
Cũng có một số tin đồn rằng một tổ chức tập hợp tất cả các lực lượng chống Taliban sẽ sớm được thành lập ở Dushanbe.
Tajikistan đã nhiều lần chỉ trích Taliban - chủ yếu là do ở Afghanistan có một cộng đồng Tajik đông đảo, thế lực luôn chống lại Taliban gồm phần lớn là người dân tộc Pashtun.
Đồng thời, Nga và Trung Quốc - những nước mà Tajikistan phụ thuộc rất nhiều về nền kinh tế - cũng không muốn trực tiếp ra mặt đối địch với Taliban. Và không khó để nhận ra các cường quốc này đang "bật đèn xanh" cho Dushanbe.
Xoáy sâu vào "tử huyệt" của Taliban?
Ông Farhang cũng tiết lộ rằng việc chuyển vũ khí từ Pakistan tới thung lũng Panjshir chỉ có thể thực hiện được nhờ vào việc hối lộ... Taliban.
Cần lưu ý rằng "chống tham nhũng" được biết đến là một trong những khẩu hiệu cốt lõi của nhóm Hồi giáo cực đoan. Và vị cựu sĩ quan cũng mô tả đây là điều đặc biệt trong các cuộc xung đột ở Afghanistan:
"Tham nhũng đang giúp chúng tôi bám trụ. Chúng tôi có các liên hệ cấp cao bên trong Taliban. Chúng tôi trả tiền cho họ và họ đảm bảo rằng trang thiết bị của chúng tôi sẽ đến (tay các chiến binh Panjshir).
Chúng tôi cũng có các đầu mối liên hệ trong IS (nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng).
Miễn là nhận được tiền, chúng cũng sẽ giúp đỡ chúng tôi.
Một số quốc gia đang giúp chúng tôi tập hợp tất cả các đầu mối này lại với nhau".
"Nhà tài trợ" là ai?
Ông Farhang lưu ý rằng các nhà tài trợ cho Panjshir đang lợi dụng thực tế là Taliban đang bị chia rẽ thành nhiều thế lực dựa trên các quốc gia hậu thuẫn họ.
"Quyền lực hiện đang nằm trong tay phe Taliban được Pakistan hậu thuẫn - trong khi các phe do Nga và Iran hậu thuẫn không muốn thừa nhận điều này. Chúng đang đối đầu với nhau, và chúng tôi đang sử dụng tình thế này để thu được lợi ích cho mình.
Tất nhiên tất cả chúng đều là khủng bố".
Vị cựu sĩ quan thậm chí còn chỉ ra tuyến đường (nhưng yêu cầu không công khai) được sử dụng để vận chuyển vũ khí từ Pakistan đến Panjshir. Ông cũng nói rằng có thể chuyển những lô hàng vũ khí lớn từ Pakistan đến Panjshir trị giá hàng chục triệu USD.
Khi được hỏi về các nhà tài trợ, ông Farhang chỉ nói rằng "một vài quốc gia" đang giúp đỡ quân nổi dậy. Các chuyên gia về Afghanistan ở Tajikistan cũng xác nhận thông tin được Farhang đưa ra là thực tế, tuy nhiên một số người hoài nghi về số tiền được đưa ra.
Tuy nhiên ngay cả những người hoài nghi cũng thừa nhận rằng việc mua vũ khí và vận chuyển chúng đến Panjshir không hề rẻ. Một chuyên gia ở Dushanbe cho rằng quân nổi dậy sẽ không lâm vào cảnh thiếu thốn vì có rất nhiều vũ khí từ thời Liên Xô còn sót lại trong khu vực.
"Giờ G" sắp điểm?
Về chiến sự vẫn đang tiếp diễn ở Panjshir, ông Farhang cho biết thêm rằng sự kháng cự tích cực vẫn được NRF duy trì và Taliban đã không thể gây ra thiệt hại lớn cho lực lượng này:
"Tất cả các ngôi làng trên núi và các thung lũng xung quanh chúng đều do các chiến binh của chúng tôi trấn giữ. Taliban chỉ kiểm soát con đường chính và khu vực xung quanh và đã bắt đầu hành xử không kiềm chế.
Chúng tôi có thông tin rằng chúng đã sát hại 130 thường dân trong thời gian từ ngày 7 đến ngày 14/9, bao gồm thương nhân, chủ cửa hàng, người chăn gia súc. Tất cả đều đã bị bắn".
Về binh lực của NRF, ông Farhang nói rằng lực lượng này bao gồm 24 nhóm tổng cộng khoảng 20.000 tay súng nằm dưới sự chỉ huy của một lãnh đạo quân sự địa phương.
Ngoài ra, có 10.000 người từ các vùng khác của Afghanistan, hầu hết là thành viên của các đơn vị đặc nhiệm - những người không chịu khuất phục trước Taliban.
Về phía Taliban, vào đầu tháng 9 lực lượng này đã chuyển 60.000 quân đến Panjshir (Farhang cũng cáo buộc khoảng 2.000 đặc nhiệm và không quân Pakistan tham chiến về phía Taliban). Một vài ngày sau, các máy bay không rõ danh tính cũng đã không kích các vị trí của Taliban.
Tuy nhiên Taliban đã chuyển 1/3 lực lượng nói trên ra khỏi Panjshir vào trung tuần tháng 9 khi chiến sự bùng phát ở tỉnh lân cận.
Ông Farhang lưu ý rằng quân nổi dậy đang chờ lệnh phản công từ Thủ lĩnh NRF Ahmad Massoud, tuy nhiên hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp:
"Chúng tôi thiếu sức mạnh cần thiết và đang chịu tổn thất nặng nề. Chúng tôi cố gắng bảo toàn lực lượng của mình. Rất khó để lội ngược dòng trước xe tăng Mỹ".
Ông Farhang chỉ ra thực tế là Taliban đang sử dụng các loại tăng - thiết giáp do Mỹ sản xuất để kiểm soát con đường chính ở Panjshir. Taliban cũng được cho là đã sở hữu số lượng lớn kính nhìn đêm của Mỹ - thứ lực lượng kháng chiến không có.
Tuy nhiên vị cựu sĩ quan cũng lưu ý rằng điều kiện cần để phản công là một cuộc nổi dậy diện rộng ở phần lớn miền bắc Afghanistan: "Các chỉ huy đã sẵn sàng và đang chờ lệnh. Người dân cũng ngày càng trở nên kiên quyết trước Taliban".
VietBF @ Sưu tầm