Với tuyên bố về Mãn Châu, ông Putin đã chỉ ra rằng nước Nga không quên những lợi ích của Moscow tại vùng lãnh thổ lịch sử đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Đối với nhiều người, những bức ảnh có mặt Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều để lại ấn tượng về một tình bạn thân thiết tuyệt đối. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, cả Moscow và Bắc Kinh đều có những giai đoạn thù địch trong quá khứ và từ chối chấp nhận quyền tối cao của nhau.
Một điều rõ ràng là Trung Quốc đang tìm cách xâm lấn vào vùng ảnh hưởng của Nga ở Trung Á, Bắc Cực và Đông Âu. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với vùng Viễn Đông của Nga và thành phố cảng Vladivostok.
Về phần mình, Nga cũng nhắm tới một vùng lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc, đó là Mãn Châu. Moscow quan tâm tới vùng lãnh thổ này vì những lý do lịch sử.
Năm 2019, Tổng thống Putin đã cam kết sẽ giải quyết vấn đề bảo tồn các di tích lịch sử của Nga ở vùng Đông bắc Trung Quốc – Mãn Châu. Với tuyên bố này, ông Putin đã chỉ ra rằng nước Nga không quên những lợi ích của Moscow tại vùng lãnh thổ lịch sử đang nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
LỊCH SỬ MÃN CHÂU VÀ XUNG ĐỘT TRUNG-NGA
Theo trang tin TFI, lịch sử các cuộc xung đột Trung-Nga ở Mãn Châu bắt đầu vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đế quốc Nga xâm lược Mãn Châu sau cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất giai đoạn 1894-1895. Trung Quốc thua trận và Nga quyết định chiếm quyền kiểm soát Mãn Châu từ tay người Nhật. Tính đến năm 1900, phần lớn Mãn Châu nằm trong sự kiểm soát của Nga.

Hình minh họa cuộc chiến tranh giữa Đại Thanh đế quốc và Đế quốc Nhật Bản từ 1/8/1894 - 17/4-1895 (Nguồn: Wiki)
Tuy nhiên, khu vực Mãn Châu một lần nữa bị kéo vào chiến tranh năm 1904, khi Nhật Bản tấn công cảng Arthur do Nga điều hành. Quân Nga đã bị đánh bại trong cuộc chiến với Nhật Bản, buộc phải nhượng lại quyền kiểm soát cảng Arthur và một số vùng của Nam Mãn Châu. Sau đó, tới năm 1929, Liên Xô giành lại quyền kiểm soát Đường sắt phía Đông ở Mãn Châu.
Người Liên Xô đã tiến hành thêm một nỗ lực nữa để giành quyền kiểm soát toàn bộ Mãn Châu trước khi Thế chiến II kết thúc. Các lực lượng Liên Xô đã tuyên chiến với Nhật Bản và tấn công vùng lãnh thổ ở Mãn Châu do Nhật Bản kiểm soát vào tháng 8/1945.
Trong chiến dịch quân sự thần tốc, quân Liên Xô đã đánh bật quân Nhật ra khỏi Mãn Châu. Tuy nhiên, vào năm 1946, các lực lượng Liên Xô đã rút khỏi Mãn Châu do hệ quả của cuộc nội chiến Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã nắm quyền kiểm soát khu vực này.
Song, Liên Xô cũng không rút đi tay không. Lực lượng ở Mãn Châu đã chiếm được cơ sở hạ tầng công nghiệp do Nhật Bản để lại và chuyển giao cho chính quyền Liên Xô trước khi rút đi.
XU HƯỚNG LIÊN KẾT VỚI VIỄN ĐÔNG
Một số thành phần tại Trung Quốc có xu hướng liên kết Mãn Châu với vùng Viễn Đông của Nga. Họ gọi đó là "Đại Mãn Châu" và nỗ lực đưa ra yêu sách đối với khu vực do Nga nắm giữ.
Thế nhưng, theo TFI, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm liên kết vùng Viễn Đông của Nga với vùng ngoại ô Mãn Châu có thể sẽ phản tác dụng đối với Bắc Kinh.
Trang tin này cho rằng, việc Nga nắm quyền kiểm soát vùng Viễn Đông như thế nào giờ đây là vấn đề của lịch sử và học thuật. Người dân ở vùng Viễn Đông không chống đối Moscow và nơi này hiện đang chứng kiến những kế hoạch lớn của Tổng thống Putin nhằm mục tiêu tăng tốc phát triển kinh tế và công nghiệp trong khu vực.
Trên thực tế, vùng Viễn Đông của Nga có tiềm năng tăng trưởng rất lớn do nằm gần khu vực Bắc Cực đang tan băng – nơi sẽ trở thành trung tâm thương mại và vận tải giữa châu Âu và châu Á trong thập kỷ tới.
GIA TĂNG CÁC VẤN ĐỀ BẤT ỔN Ở MÃN CHÂU
Trong khi đó, theo TFI, người dân Mãn Châu dường như ngày càng mất niềm tin vào Trung Quốc. Mãn Châu là nơi sinh sống của người Mãn Châu – dân tộc thiểu số lớn thứ 4 của Trung Quốc. Người Mãn Châu khác biệt về mặt sắc tộc đối với cộng đồng người Hán đang chiếm đa số ở Trung Quốc.
Đường lối của Trung Quốc hiện nay được đánh giá là đang làm suy yếu lợi ích của các cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mãn Châu. Điều này có thể gây ra sự bất mãn và thậm chí làm nhen nhóm chủ nghĩa ly khai ở vùng này.
Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở Mãn Châu cũng mờ nhạt. Phần lớn mức tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc kể từ những năm 1980 đều tập trung ở miền nam, miền trung và đông nam Trung Quốc.
NGA CÓ THỂ CHINH PHỤC MÃN CHÂU?
Đối với Nga – nước chưa hề quên lợi ích lịch sử của mình ở Mãn Châu – thì một cuộc chinh phục khu vực này không thực sự là một lựa chọn lý tưởng trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, Moscow vẫn có thể có những tác động gián tiếp tới khu vực này.
Hơn nữa, khi Nga tăng tốc phát triển vùng Viễn Đông giáp với Mãn Châu thì người Mãn Châu chắc chắn sẽ cảm thấy không hài lòng bởi sự chênh lệnh khu vực ngày càng tăng ở Trung Quốc.
Cuối cùng, họ có thể sẽ phát triển xu hướng và phong trào thân Nga khiến Bắc Kinh ngán ngẩm.
VietBF @ Sưu tầm