Yết hầu thường được biết đến là phần xương sụn bọc quanh dây thanh quản và nhô ra trước cổ. Nhờ có dây thanh quản, con người có thể nói, cười, ca hát và thì thầm. Dây còn giúp hạn chế thức ăn không rơi vào đường thở khi nuốt.
Trong giai đoạn dậy thì, dây thanh quản sẽ tăng trưởng và làm phần sụn xuất hiện rõ ràng hơn. Đàn ông nếu có hộp thanh quản càng to thì yết hầu sẽ càng lớn. Giọng nói của họ cũng thường trầm ấm và thậm chí có phần “ồm ồm” hơn so với người có yết hầu nhỏ. Do đó, yết hầu được xem là đại diện cho sự mạnh mẽ, nam tính của phái nam.
Trước giai đoạn này, cả nam và nữ đều có kích thước thanh quản như nhau. Khi đến tuổi trưởng thành, thanh quản sẽ tăng trưởng về kích thước và hình thành nhiều sụn hơn để bảo vệ dây thanh đới. Vì vậy mà giọng nói cũng bắt đầu trầm ấm hơn.
Yết hầu không tự xuất hiện sau một đêm. Khi giọng nói của bạn xuất hiện những thay đổi, chẳng hạn như vỡ giọng, điều đó có nghĩa là thanh quản đang tự điều chỉnh để thích nghi với quá trình phát triển.
Thực chất, yết hầu có thể có ở cả nam và nữ. Do quá trình dậy thì là như nhau, hộp thanh quản vẫn tăng trưởng và làm biến đổi giọng nói của phụ nữ. Tuy nhiên, sự thay đổi này thường không mạnh mẽ như ở nam giới.
Các hormone của nữ không cho phép dây thanh quản tăng trưởng quá nhiều. Do vậy, phái đẹp vẫn giữ được giọng nói cao hơn so với phải mạnh sau khi qua tuổi dậy thì.
Thông thường, yết hầu ở nữ ít xuất hiện hơn. Tuy nhiên, một số chị em thường gặp phải tình trạng rối loạn nội tiết tố nữ dẫn đến hàm lượng testosterone trong cơ thể khá cao.
Ở những trường hợp này, phụ nữ sẽ có “trái táo cổ” như phái nam. Giọng nói của họ cũng vì vậy mà trầm hơn so với số đông. Ngoài ra, họ cũng có những biểu hiện khác trên cơ thể như mọc nhiều lông, tóc hơn. Sự bất thường về hormone còn khiến một số nam giới có thanh quản nhỏ và giọng cao hơn bình thường.