Chiến dịch tiêm chủng đình trệ và sự trỗi dậy của biến chủng Delta khiến Mỹ lại đối mặt tình huống nguy hiểm, với những số liệu đáng lo ngại.
"Đợt bùng phát chúng ta đang trải qua hội tụ mọi nguy cơ để trở thành đợt dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay, và có vẻ đã là như vậy", cựu tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams nhận định trong buổi phỏng vấn hôm 3/8.
Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 6/8, số ca nhiễm nCoV trung bình 7 ngày tại Mỹ là hơn 107.100, mức cao nhất trong gần 6 tháng. Lần gần đây nhất con số này vượt 100.000 là ngày 11/2. So với hồi đầu tháng 7, số ca nhiễm trung bình hàng ngày đã tăng gấp 9 lần.
Jeff Zients, điều phối viên ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, hôm 2/8 cho biết hầu hết ca nhiễm tập trung tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, nói thêm rằng 1/3 số ca nhiễm nCoV tại Mỹ trong tuần trước đó thuộc về bang Florida và Texas.
"Điều đáng thất vọng nhất là chuyện này có thể phòng tránh được. Nếu chúng ta thực sự tăng tốc chiến dịch tiêm vaccine trong tháng 5 và tháng 6, hoàn thành tiêm chủng cho đất nước, chúng ta sẽ không phải lo lắng nhiều đến vậy", tiến sĩ Peter Hotez, hiệu trưởng Trường Y học Nhiệt đới Quốc gia thuộc Đại học Y Baylor tại bang Texas, đánh giá.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực phía nam, bao gồm bang Florida và Louisiana, nơi giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cho biết số ca nhiễm đang gia tăng "theo cấp số nhân" và dường như chưa chạm mức đỉnh.
Số ca nhập viện tại Mỹ cũng đang ở mức cao nhất kể từ tháng 2. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, hơn 66.000 người đã nhập viện vì Covid-19 trên cả nước tính đến cuối ngày 7/8.
"Chúng ta đang bước trở lại về phía bờ vực. Rất dễ hình dung ra rằng chúng ta có thể một lần nữa rơi vào thảm họa y tế công cộng", Lina Hidalgo, thẩm phán hạt Harris, bang Texas, phát biểu trong cuộc họp báo hôm 5/8. Cũng tại đây, Thị trưởng Houston Sylvester Turner cho biết Trung tâm Y tế Texas ở thành phố này đã tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân Covid-19 một ngày.
Florida, bang đứng đầu toàn quốc cả về số người trưởng thành và trẻ em nhập viện vì Covid-19, hôm 5/8 ghi nhận 12.373 người trưởng thành và 143 trẻ em nhập viện, theo CDC. Dữ liệu do Sở Y tế Florida công bố hôm 6/8 cho thấy bang này đã ghi nhận kỷ lục 134.506 ca nhiễm nCoV mới trong tuần trước, với trung bình 19.215 ca/ngày. Mức kỷ lục trước đó là vào ngày 8/1, với 125.937 ca nhiễm mới trong một tuần, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Giới chức Louisiana hôm 6/8 cũng báo cáo 2.421 người nhập viện vì Covid-19 trên toàn bang, vượt qua kỷ lục một ngày trước đó. Trong số các bệnh nhân nhập viện tại bang này, khoảng 91% chưa được tiêm vaccine Covid-19.
Tình hình bệnh nhân Covid-19 ở những bang khác cũng khá nghiêm trọng. Tuần trước, bang Arkansas báo cáo số giường chăm sóc tích cực (ICU) có sẵn thấp kỷ lục, chỉ còn 25 giường trên toàn bang. Tại Mississippi, giới chức y tế cho biết cả bang chỉ còn 6 giường ICU hôm 4/8.
Một xu hướng đáng lo ngại khác tại Mỹ là số ca nhiễm ở trẻ em và thiếu niên đã tăng 84% trong một tuần. Từ ngày 22/7 đến 29/7, gần 72.000 trẻ em nhiễm nCoV, tăng đáng kể so với con số 39.000 tuần trước đó và gần gấp 5 lần mức cuối tháng 6. Định nghĩa lứa tuổi trẻ em khác nhau giữa các bang, nhưng thường lên tới 17 hoặc 18 tuổi.
"Tôi nghĩ tình huống mà chúng ta đang chứng kiến trên khắp miền nam là một đám cháy rừng cuốn theo tất cả, bao gồm thanh thiếu niên và trẻ nhỏ hơn. Cách để ngăn chặn là tiêm chủng cho thật nhiều người. Tiêm chủng càng nhiều thì càng giúp kiềm chế chuỗi lây nhiễm", tiến sĩ Hotez nhận định.
Sự gia tăng đáng báo động này diễn ra ngay lúc các trường học trên toàn quốc chuẩn bị chào đón học sinh trở lại sau kỳ nghỉ hè. Do trẻ em dưới 12 tuổi vẫn chưa đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19, một số bang yêu cầu học sinh đeo khẩu trang. Nhiều biện pháp đảm bảo an toàn khác cũng sẽ được triển khai.
Theo dữ liệu của CDC, biến chủng Delta đang chiếm hơn 93% số ca nhiễm nCoV tại Mỹ. Tỷ lệ này thậm chí cao hơn tại một số bang như Iowa, Kansas, Missouri và Nebraska, nơi chủng Delta chiếm hơn 98% số ca nhiễm. Trong khi đó, CDC hồi cuối tháng 5 ước tính Delta chỉ chiếm khoảng 3% số ca nhiễm nCoV mới.
Các con số phản ánh tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng này. Một tài liệu nội bộ từ CDC tháng trước cho biết biến chủng Delta dường như gây ra bệnh nặng hơn. "Đây là một trong những loại virus dễ lây lan nhất mà con người từng biết đến, giống như sởi, thủy đậu", giám đốc CDC Walensky thừa nhận.
Giới chức khắp nước Mỹ cũng cho rằng biến chủng Delta là nguyên nhân làm gia tăng số ca nhiễm tại địa phương của họ. Tiến sĩ Thomas Dobbs, quan chức y tế Mississippi, hôm 5/8 cho biết bang này ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày tăng đột biến "hoàn toàn do biến chủng Delta đang quét qua Mississippi như sóng thần", nói thêm rằng 97% số ca nhiễm mới chưa tiêm chủng.
"Chúng tôi nhận thấy những người chưa tiêm vaccine Covid-19 trong cộng đồng đang làm trầm trọng đợt bùng phát lần này. Khoảng 89% số ca nhập viện và 85% số ca tử vong vì Covid-19 tại Mississippi chưa tiêm chủng", Dobbs cho hay.
Bên cạnh đó, hơn 97% dân Mỹ sống trong những khu vực virus đang lây lan ở mức độ "cao" hoặc "đáng kể", theo dữ liệu của CDC. Cuối tháng trước, CDC khuyến cáo ngay cả những người đã tiêm vaccine đầy đủ sống trong những khu vực này nên đeo khẩu trang trong không gian kín để phòng chống biến chủng Delta.
Các mức độ "đáng kể" và "cao" nằm trong hệ thống phân loại của CDC được đánh giá dựa trên hai số liệu là số ca nCoV mới/100.000 người và tỷ lệ dương tính. Giới chuyên gia cho biết việc nắm rõ tình hình lây nhiễm virus trong cộng đồng có thể giúp người dân hiểu mức độ rủi ro họ đang đối mặt khi chọn đeo khẩu trang hay không.
Bất chấp những số liệu ảm đạm, tin mừng cho Mỹ là chiến dịch tiêm chủng Covid-19 đang tăng tốc, đặc biệt tại một số bang miền nam, nơi nhiều tháng qua chứng kiến tình trạng tiêm chủng đình trệ và nỗi ngần ngại vaccine trầm trọng.
Cuối tháng trước, số liều vaccine Covid-19 đầu tiên được tiêm trung bình tại bang Alabama cao hơn gấp đôi so với ba tuần trước đó. Trong cùng khoảng thời gian, tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày tại bang Louisiana và Missouri cũng tăng lần lượt là 111% và 87%. Theo CDC, khoảng 58,5% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 và 50,1% đã được tiêm đầy đủ.
Tiến sĩ Leana Wen, một bác sĩ cấp cứu, đánh giá "câu trả lời cuối cùng" để xoay chuyển đợt bùng phát Covid-19 lần này tại Mỹ là tiêm chủng.
"Thứ sẽ ngăn virus lây lan, đồng thời thực sự là cách tốt nhất và duy nhất giúp chúng ta thoát khỏi đại dịch, là tăng tỷ lệ tiêm chủng. Nếu mức độ miễn dịch tại Mỹ đủ cao, chúng ta có thể ngăn sự tàn phá nặng nề của virus như hiện nay", Wen nhận định.
"Nếu hợp tác cùng nhau, đoàn kết đất nước, tiêm chủng cho tất cả và đeo khẩu trang để phòng bệnh, chúng ta thực sự có thể kiểm soát tình hình trong vài tuần", giám đốc CDC Walensky đồng tình.
|
|