Cắt móng tưởng chừng là việc làm đơn giản, ai cũng biết làm nhưng chưa chắc bạn đã chọn cách cắt đúng đâu: cắt móng tròn hay vuông? Có thể bạn hiểu sau khi nghe bác sĩ giải thích.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn có thể gặp phải hiện tượng khó chịu là 2 bên cạnh móng mọc dài đâm vào thịt, thường xảy ra ở ngón tay cái hoặc ngón chân cái. Ngoài việc trông khó coi, điều quan trọng hơn là nó có thể khiến ngón tay, ngón chân của bạn bị đau khi đâm vào thịt, trường hợp nặng sẽ gây tấy đỏ, sưng đau, thậm chí làm dập nát vùng da xung quanh và bốc ra mùi hôi khó chịu.
Móng đâm vào thịt được gọi là mọc ngược, đây là một hiện tượng rất phổ biến gây các ảnh hưởng nghiêm trọng như đỏ, sưng và viêm vùng da của ngón tay, chân được gọi là paronychia. Mang giày không vừa vặn, béo phì, chấn thương... có thể khiến móng tay mọc ngược và thậm chí dẫn đến bệnh thần kinh tọa.
Tuy nhiên, nguyên nhân thường gặp nhất trên lâm sàng lại là do phương pháp cắt móng sai.
Khi cắt móng tay, bạn cắt hình gì, hình tròn hay hình vuông?
Tờ Leopard Ear Health của Trung Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ ngẫu nhiên trong nhóm WeChat, theo đó, 70% người trả lời cho biết họ cắt móng thành hình tròn.
Và có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng sẽ cắt móng theo hình tròn bởi nếu cắt móng thành hình vuông thì nó có thể gây ra hiện tượng trầy xước trên da khi chạm tay vào các vùng trên cơ thể do 2 bên cạnh móng quá sắc nhọn.
Nhưng hình dạng tròn mà hầu hết mọi người chọn có thể dẫn đến việc hình thành móng tay mọc ngược. Đa số mọi người đều lo lắng rằng móng tay sẽ đâm vào thịt nên chúng ta đã cố tình cắt bỏ các góc ở cả hai bên cạnh móng, cắt móng thành một hình vòng cung như hình vẽ trên.
Và vì lý do vệ sinh, chúng ta sẽ thường cắt móng đặc biệt ngắn, với mép trên của móng tay thấp hơn đường ngăn cách móng tay với thịt.
Tuy nhiên, việc cắt móng ngắn như vậy và làm tròn ở cả hai cạnh móng thực sự sẽ khuyến khích móng mọc đâm vào thịt nhiều hơn. Điều này là do móng và vùng da xung quanh có mối quan hệ cân bằng, khi 2 bên của móng tay quá ngắn, vùng da xung quanh sẽ phát triển quá mức nhằm lấp đầy khoảng trống. Sau đó, móng ở 2 bên lại dài ra và chúng tất yếu sẽ ăn sâu vào vùng da phát triển quá mức này, tạo ra hiện tượng móng mọc ngược.
Vì vậy, để ngăn điều này xảy ra, hãy cắt móng tay của bạn thành hình vuông, như hình bên.
Cắt hai bên và giữa thành một đường thẳng, bằng phẳng, không cắt quá ngắn, mép trên của móng phải cao hơn đường ngăn cách giữa móng và thịt.
Nếu lo lắng 2 bên cạnh móng là góc nhọn sắc bén sẽ gây trầy xước trên da khi chạm vào những vùng da khác trên cơ thể, bạn có thể dùng dũa để làm các góc hơi tròn đi.
Làm gì khi bị móng mọc ngược?
Nếu bạn chỉ cảm thấy hơi đau khi nó đâm vào da và không có hiện tượng tấy đỏ, sưng tấy, viêm nhiễm thì chúng ta có thể tự xử lý.
Theo bác sĩ Zhang Yingpeng, Phó trưởng Khoa Da liễu của Bệnh viện trực thuộc Đại học Nam Xương (Trung Quốc), bạn có thể dùng nước ấm nóng pha với giấm trắng để ngâm chân/tay trước nhằm giúp làm mềm móng và các vùng da xung quanh. Sau đó, bạn dùng dụng cụ cắt móng đã vô trùng để từ từ tách móng ra khỏi da.
Khi đã làm xong việc này, việc làm tiếp theo là bôi iodophor quanh móng tay để khử trùng, và giữ như vậy trong 5 phút trước khi đặt 1 miếng bông đã được nhỏ một ít cồn y tế 75% vào khe giữa móng và da.
Làm như vậy mỗi ngày một lần có thể từ từ điều chỉnh hướng phát triển của móng. Bác sĩ Zhang nhấn mạnh, không nhất thiết phải tháo bông khi rửa chân/tay, bạn có thể cứ rửa xong rồi thay bông mới.
Nếu không tự xử lý được thì phải đến bệnh viện kịp thời, tuyệt đối không được đến tiệm làm móng chân vì dụng cụ dùng ở những tiệm này có thể không được khử trùng sạch sẽ khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn. Ngoài ra, ông cũng khuyến khích mọi người không nên đi giày chật quá thường xuyên, phụ nữ ít đi giày cao gót hơn, điều này có thể giúp móng không bị nén và ngăn ngừa sự xuất hiện của móng mọc ngược.
VietBF@sưu tập