Biến đổi khí hậu có thể làm cho chuồn chuồn đực ở Bắc Mỹ có màu sắc nhợt nhạt hơn. Khiến chúng trở nên kém hấp dẫn trong mắt bạn tình.
Michael Moore tại trung tâm Living Earth Collaborative và Đại học Washington ở Saint Louis, Missouri, và các đồng nghiệp của ông đã kiểm tra hàng trăm nghìn hồ sơ về chuồn chuồn đại diện cho 319 loài Bắc Mỹ và so sánh chúng với khí hậu tại khu vực sống của các loài động vật này. Họ phát hiện ra rằng ở những vùng càng lạnh, màu sắc của cánh ở những cá thể chuồn chuồn đực càng đậm và lộng lẫy hơn.
Tiếp đó, nhóm nghiên cứu này tập trung vào 10 loài chuồn chuồn có phạm vi địa lý đặc biệt trên khắp Bắc Mỹ và kiểm tra 2700 bức ảnh về những loài này được tải lên nền tảng khoa học cộng đồng iNaturalist. Sau cùng, các nhà khoa học tiếp tục nhận thấy rằng cùng 1 loài chuồn chuồn, con đực gần như luôn có màu sắc cánh ít sặc sỡ hơn khi chúng sống ở những có khí hậu ấm hơn.
Điều này có ảnh hưởng nhất định đến loài. Những đôi cánh nhiều màu sắc hấp thụ nhiều ánh sáng mặt trời hơn và ấm hơn so với cánh ít màu. Thực tế cho thấy những chi tiết sậm màu trên cánh có thể làm cho nhiệt độ của cánh tăng lên 2ºC, gây hỏng mô cánh và thậm chí có thể khiến con chuồn chuồn tử vong.
Nói cách khác, việc sở hữu những đôi cánh ít màu sắc hơn có thể giúp cho chuồn chuồn đực gia tăng cơ hội tồn tại nếu khí hậu ấm lên. Ngược lại, khi nhiệt độ ấm hơn, chuồn chuồn có thể sẽ phát triển để giảm màu sắc của cánh đi nhằm thích nghi với môi trường.
Phân tích kỹ và tập trung vào 10 loài trọng tâm xem chúng đã thay đổi như thế nào trong thời gian gần đây, nhóm phát hiện thấy những con chuồn chuồn đực được chụp từ năm 2005 đến 2019 sở hữu đôi cánh có khuynh hướng ít màu sắc hơn trong những năm nóng, và cánh ít màu sắc trong những năm mát mẻ hơn.
Hiểu theo cách khác, nghĩa là khi khí hậu nóng, chỉ những con chuồn chuồn đực có đôi cánh với màu sắc nhợt nhạt hơn mới có khả năng sống sót. Chuồn chuồn cái cũng có đôi cánh sặc sỡ, nhưng chúng ít có khả năng bị mất màu hơn trong giai đoạn nắng nóng. Điều này có thể là do con cái thích trốn trong bóng râm trong khi con đực bay dưới ánh sáng mặt trời.
Khí hậu càng nóng dần, chuồn chuồn càng thích nghi bằng cách giảm mức độ sặc sỡ của màu cánh đi. Nhưng điều này khiến chúng kém hấp dẫn hơn trong mắt những con cái và tệ hơn là từ chối việc giao phối. Ngoài ra, các con cái thậm chí còn mất đi sự nhận dạng đối với những con đực cùng loài và bắt đầu quá trình giao phối với những con đực của loài khác do nhầm lẫn. Theo các nhà khoa học, điều này gây bất lợi đối với sự tồn vong của loài.