Anh muốn kiểm tra “lằn ranh đỏ” của Moscow nhưng đã ngay lập tức nhận được màn khai hỏa cảnh cáo từ các lực lượng biên phòng và hải quân Nga.
Vụ đụng độ giữa các lực lượng hải quân và biên phòng Nga với tàu khu trục HSM Defender của Hải quân Hoàng gia Anh ở ngoài khơi bờ biển Crimea một lần nữa làm nổi bật vai trò mới của London trong hệ thống quốc tế.
Sự việc cho thấy Anh đang trở lại với tư cách là một thành viên tích cực trong liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhằm tìm cách khẳng định lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của phương Tây trước thách thức đến từ các hành động của Nga và Trung Quốc. Khi quyết định hành động như vậy, London thể hiện rõ ý định đi tiên phong và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Trước đây, cũng như ở Afghanistan và Iraq, Vương quốc Anh là nước đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ về phối hợp hành động chung. Giờ đây, Anh đang muốn chứng tỏ rằng, trong một số trường hợp, nước này sẵn sàng dẫn đầu.
Cho đến cuối tuần trước, chủ quyền của Nga ở Crimea mới chỉ bị thách thức trực tiếp vào năm 2018 bởi các tàu hải quân Ukraine do tổng thống Petro Poroshenko khi đó triển khai từ Odessa đến Biển Azov.
Vì vậy, bằng cách chuyển đi thông điệp không công nhận việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea qua vụ cho tàu HMS Defender đi vào vùng lãnh hải 12 hải lý ở vị trí cách cảng Sevastopol không xa, Anh đang tự đặt mình đứng trước một nguy cơ đối đầu với Nga ở mức độ rủi ro nhiều hơn.

Tàu khu trục HMS Defender của Hải quân Hoàng gia Anh cập cảng Odessa, Ukraine ngày 18 tháng 6 năm 2021. Ảnh: Reuters
Sự việc lần này được đánh giá nghiêm trọng hơn năm 2018 ở hai khía cạnh: Không chỉ khác biệt ở đối thủ thách thức Nga mà còn là thời điểm thực hiện thách thức.
Anh tiến hành kiểm tra “lằn ranh đỏ” của Nga chưa đầy một tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đáp trả, tàu chiến Anh đã nhận được ngay màn khai hỏa cảnh cáo từ các lực lượng biên phòng và hải quân Nga. Sau khi bị máy bay Su-24 thả bom trước đường di chuyển, khu trục hạm HMS Defender Hải quân Hoàng gia Anh đã phải thay đổi hành trình.
Một bản tin trên kênh truyền hình BBC cho thấy thủy thủ đoàn tàu HMS Defender ngay từ đầu đã chuẩn bị sẵn sàng đối đầu với các lực lượng Nga. Điều này được Moscow diễn giải là một hành động khiêu khích có tính toán trước để kiểm tra ranh giới đỏ của Nga.
Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm phơi bày “lằn ranh đỏ” của Nga là vô nghĩa, dù ở trên đất liền, trên không hay trên biển bởi, nó sẽ chỉ thúc đẩy Moscow quyết tâm bảo vệ những gì họ coi là bất khả xâm phạm. Những kiểu hành động như vậy nhiều khả năng sẽ dẫn đến đụng độ và thương vong, thậm chí có nguy cơ leo thang hơn nữa.
Nếu điều này xảy ra, cuộc đối đầu giữa Nga và NATO sẽ xấu đi theo đúng nghĩa đen, dẫn tới một kịch bản thực sự ảm đạm. Không ai ở Moscow hy vọng phương Tây sẽ chấp nhận chủ quyền của Nga ở Crimea trong tương lai gần. Thế nhưng, việc gạt bỏ thực tế sẽ đưa tới một cái giá quá đắt mà bất cứ ai mạo hiểm chấp nhận rủi ro cũng cần phải tính tới.
So với một số nước thành viên NATO khác ở châu Âu, Anh nằm trong số ít quốc gia không ngại ngần đối đầu với Nga. Chiến lược an ninh quốc gia gần đây của London thẳng thừng coi Nga là mối đe dọa an ninh chính đối với Anh và phương Tây. Do vậy, quan hệ Nga - Anh, vốn đã trong tình trạng lạnh giá hơn một thập kỷ rưỡi qua, có thể đang chuyển sang một vùng nóng.
Một kịch bản có thể dẫn đến chiến tranh trong thế kỷ XXI là sự leo thang không cố ý nảy sinh từ một sự cố, chẳng hạn như ở Baltic và Biển Đen, hoặc xung đột cục bộ ở Donbass nằm ngoài tầm kiểm soát.
Do đó, ngay cả khi nhiều nỗ lực đã được thực hiện để quản lý tốt hơn hoặc thậm chí phần nào điều chỉnh cuộc đối đầu Mỹ - Nga thì việc ngăn chặn các cuộc chạm trán nguy hiểm giữa lực lượng Nga và các nước NATO vẫn nên là ưu tiên hàng đầu đối với cả hai bên.
VietBF @ Sưu tầm