Bát cà pháo giòn tan, dậy mùi thơm riềng, tỏi, đậm đà vị chua mặn ngọt, thêm bát canh cua rau mồng tơi rất "đưa cơm" trong mùa hè.
Cà pháo muối là món ăn dân dã, quen thuộc trong mâm cơm mỗi gia đình người Việt. Tùy theo khẩu vị mỗi vùng miền mà có cách chế biến khác nhau như: Cà pháo ngâm chua ngọt, cà pháo muối xổi, cà teo ngâm mắm kiểu Nghệ An, cà pháo ngâm mắm nêm...
Bài viết dưới đây gợi ý cách làm cà pháo ngâm chua ngọt, giòn rụm và không bị đen hay nổi váng.
- Tổng thời gian: 1 giờ, trừ thời gian phơi héo cà và thời gian ngâm cà (sơ chế: 40 phút, hoàn thiện 20 phút).
- Hàm lượng calories: 1302 kcal
1. Nguyên liệu
- 1 - 1,2 kg cà pháo
- Muối hạt, nước vo gạo để ngâm cà
Nước sốt mắm chua ngọt ngâm cà: tỷ lệ 1:1:1
- 2 chén (cup) nước mắm, loại 30-40 độ đạm (250 ml)
- 2 chén (cup) đường (250 ml)
- 2 chén (cup) giấm (250 ml)
- 1/2 thìa canh muối hạt
- 2 chén ớt sừng (không cay) để tạo màu
- 1 chén (cup) tỏi
- 1 nhánh riềng bánh tẻ (không quá già, không quá non)
- 1 nhánh gừng
- Nếu bạn ăn cay thì thêm ớt chỉ thiên hoặc ớt bột (tùy chọn)
2. Cách làm
- Cà pháo phơi héo sơ một nắng, cắt cuống, rửa sạch.
- Hòa tan nước vo gạo (hoặc nước) với muối hạt để ngâm cà.
- Lần lượt bổ đôi từng quả cà pháo và cho ngay vào thau nước muối ngâm trong ít nhất một giờ (tốt nhất là 3-4 giờ) tránh cho cà không bị thâm đen và bớt mùi hăng.
- Gừng, riềng rửa sạch, ngâm qua chút nước dấm để không bị thâm, xay hoặc giã nhuyễn.
- Ớt bỏ hạt, băm hoặc giã nhuyễn.
- Cho nước mắm, đường, dấm tỷ lệ 1:1:1 (hoặc gia giảm theo khẩu vị gia đình) vào nồi, bắc lên bếp, thêm 1/2 thìa canh muối hạt khuấy đều, đun sôi, tắt bếp, để nguội hoàn toàn.
- Cà vớt ra khỏi nước ngâm, rửa sạch mấy lần với nước, rồi tráng qua chút giấm giúp cà để được lâu.
- Cho cà vào lọ thủy tinh (đã rửa sạch, để khô), đổ hỗn hợp nước mắm chua ngọt vào ngập. Đặt vỉ nén lên trên để nén cà xuống, đậy nắp.
- Để lọ cà ở nơi thoáng mát nửa ngày cho ngấm gia vị sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh, cà sẽ giòn, đậm đà vị rất ngon và dùng được lâu.
d) Chú ý:
- Khi cắt cuống cà chỉ gọt hớt lên trên (chứ không lẹm vào cuống hay thịt quả nhằm hạn chế cà mặn và hay bị ủng khi ngâm).
- Khi ngâm, phải nén cà xuống bằng vỉ tre hoặc viên đá tự nhiên vừa vặn (theo cách xưa) vì nếu cà nổi lên dễ bị thâm đen.
- Hũ (keo) đựng cần rửa sạch sẽ, tráng nước sôi, để khô ráo.
|