Nhiều phụ nữ Việt từng gặp trắc trở trong cuộc sống đã chọn cách xăm hình để hàn gắn vết thương lòng, theo bài viết của hãng tin AFP.
"Tôi đã gặp nhiều phụ nữ, những người bảo tôi rằng họ rất thích xăm nhưng lại sinh ra vào thời kỳ không ai ủng hộ điều đó", Ngoc, 28 tuổi, nghệ sĩ có hơn 10 năm kinh nghiệm, chia sẻ với hãng tin Pháp.
Xăm trổ lâu nay thường gắn liền với quan niệm "bụi bặm" ở Việt Nam. Xã hội đang thay đổi thái độ với xăm hình, nhưng nói chung vẫn còn bảo thủ, bài báo viết.
Ngoc, nghệ sĩ xăm hình, làm đẹp cho khách hàng trong căn nhà nhỏ ở Hà Nội. Ảnh: AFP
Nhưng một số người đang chọn cách đi ngược lại những suy nghĩ đó, coi nghệ thuật cơ thể là cách giải phóng khỏi một số chuẩn mực xã hội cứng nhắc. "Họ vượt qua nỗi sợ về định kiến xã hội, mong muốn làm mới bản thân để mở ra chương mới trong cuộc đời", Ngoc giải thích.
Được đào tạo bài bản, am hiểu nghề, Ngoc từng bị giễu cợt khi bắt đầu làm nghề này hơn 10 năm trước. Nhiều người khuyên cô không nên theo đuổi nghề này. Nhưng từ đó tới nay, Ngoc đã xây dựng được tệp khách hàng chủ yếu là nữ.
"Là một thợ xăm, tôi phải chấp nhận sự thật mọi người không coi trọng tay nghề, bằng cấp, cũng như tính cách của tôi... Họ thường bảo: 'Cô làm nghề này vì học không giỏi'", Ngoc kể.
Theo một cuộc khảo sát năm 2015 của công ty nghiên cứu Q&Me, chỉ 4% người Việt Nam xăm mình. 25% "cảm thấy sợ" khi nhìn thấy người xăm mình.
Nhưng với Tran Ha Nguyen, một giáo viên trung học, xăm mình là hành động ăn mừng sau khi ly hôn với người chồng "giáo điều, cứng nhắc", người luôn kịch liệt phản đối cô xăm mình.
Sau khi ly hôn, người phụ nữ 41 tuổi muốn thoát khỏi con người cũ, làm những điều cô chưa từng dám làm trước đây. Cô chọn xăm hình hoa cúc ở đùi, đủ cao để không ai nhìn thấy trừ lúc mặc bikini.
"Chỉ là một hình xăm nhỏ, nhưng tôi cảm thấy đã tìm được con người thật của mình", cô nói.
Nguyen Hong Thai, 46 tuổi, cũng đang hồi phục sau chấn thương tâm lý. Cô chọn cách xăm hoa hồng lên vết sẹo ở bụng, cùng chữ "mãi trong tim em" lên cánh tay, vài tháng sau khi chồng mất vì ung thư phổi. Khi còn sống, lúc nào anh cũng muốn cô đi xăm.
"Giờ anh ấy ra đi rồi. Tôi nghĩ anh ấy muốn tôi mạnh mẽ hơn, trở lại giống con người trước đây luôn ở bên anh ấy. Hình xăm cho tôi sức mạnh và tự tin", cô cười, nói.
Ngoc quyết định tập trung công việc cho những người phụ nữ từng bị tổn thương cả về thể chất và tinh thần. Nhu cầu ngày càng lớn khiến cô luôn kín lịch. Khách hàng của Ngoc đều ở Hà Nội, nơi có thu nhập bình quân đầu người gần 500 USD/tháng. Họ sẵn sàng chi gấp đôi số đó để xăm mình, theo AFP.
Một trong số này là Huong, 33 tuổi, luôn tự ti về cơ thể sau ca phẫu thuật ruột thừa cách đây 14 năm để lại một vết sẹo xấu xí trên bụng.
"Tôi từng nghĩ tới bệnh viện xóa sẹo. Nhưng rồi tôi lại nghĩ tại sao mình không đi xăm để giấu nó đi?" Huong nói.
Nằm trên ghế trong căn hộ nhỏ của Ngoc tại Hà Nội, mắt nhắm chặt vì lo lắng, Huong chờ mũi kim đâm vào cơ thể.
"Xăm không chỉ vì làm đẹp, nó còn là cơ hội cho người phụ nữ được là chính mình", Ngoc nói.
Vài tiếng sau, một chùm hoa màu hồng hiện ra trên bụng Huong, còn cô nở nụ cười mãn nguyện.
"Tôi từng sợ nếu người nhà nhìn thấy hình xăm lớn thế này, họ sẽ nghĩ tôi là một phụ nữ hư hỏng. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi sống cho chính mình. Nếu tôi có thể xóa đi nỗi xấu hổ về vết sẹo của mình, cuộc sống sẽ thú vị hơn", Huong nói.