Người châu Á ngồi xổm một cách dễ dàng, sử dụng động tác này trong nhiều hoạt động thường ngày. Nhưng ngồi xổm lại là động tác cực kỳ khó khăn với người phương Tây. Vì sao lại có sự khác nhau như vậy?
Những du khách phương Tây được khuyên hãy luyện các bài tập squat và luôn mang theo giấy khi sử dụng toilet dạng ngồi xổm (xí xổm) ở Trung Quốc hoặc một số quốc gia châu Á.
Đó là bởi tư thế ngồi xổm là điều người châu Á có thể làm hàng giờ mà vẫn cảm thấy bình thường, trong khi đó là điều khó khăn với người phương Tây, theo tờ The Atlantic.
Tư thế ngồi xổm phổ biến ở châu Á và không hề xuất hiện ở phương Tây đến mức người phương Tây gọi đây là "squat kiểu châu Á".
Bryan Ausinheiler, một nhà vật lý trị liệu ở California, Mỹ, người từng viết một loạt các bài đăng trên blog cá nhân về động tác ngồi xổm, chia sẻ: "Động tác này cần đến sự dẻo dai của cả hông, đầu gối và mắt cá chân. Vậy nên không hề dễ dàng chút nào".
Một trong số các yếu tố quan trọng nhất dường như là sự linh hoạt của mắt cá chân. Biên tập viên tờ The Atlantic, Ross Andersen nói: "Ngồi xổm khiến tôi cảm thấy như sắp vỡ mắt cá chân".
Ausinheiler nói trẻ em phương Tây sinh ra hoàn toàn có thể ngồi xổm, nhưng càng lớn lên, người phương Tây càng đánh mất khả năng này.
Kích thước cơ thể cũng đóng vai trò nhất định. Người có chân ngắn, đầu to và thân dài dễ ngồi xổm hơn. Trong khi đó, người phương Tây cao to, chân càng dài sẽ càng cảm thấy cực kỳ khó khăn khi ngồi xổm, theo The Atlantic.
VietBF @ Sưu tầm