Luôn ở trên phim với vai hiền lành, khắc khổ, tốt bụng, nghệ sĩ Trần Hạnh ngoài đời không khác. Suốt 10 năm khi vợ ốm liệt giường, đêm nào ông cũng thức canh cho bà ngủ.
Con đường chạy ngang ga Hà Nội hàng chục năm qua in bóng nghệ sĩ Trần Hạnh trên chiếc xe máy, trước khi ông qua đời sáng 4/3. Khi chưa bước sang tuổi 90 và quá yếu, nghệ sĩ vẫn tự lái xe đi đi về về chặng đường hơn cây số, một đầu là ki-ốt tạp hóa của con dâu ông, một đầu là ngôi nhà tầng trát vôi vữa đơn sơ, nơi ông sống cùng vợ chồng con trai.
Người qua lại con phố cũng nhiều năm quen với hình ảnh diễn viên ngồi trông hàng cho con. Ki-ốt nhỏ bày bán đủ thứ, từ mũ bảo hiểm, quần áo đến giày dép. Lúc vắng khách, ông tranh thủ sắp xếp các món đồ cho ngay ngắn. Ông không nhớ giá, ai mua cái gì lại gọi điện hỏi con dâu. Khách ghé gian hàng, nhiều lúc chẳng mua đồ, chỉ lấy cớ nói chuyện với ông lão quen mặt trên màn ảnh. Đôi lần vì mải chuyện trò, kẻ gian vào rút đồ đi - có khi là đôi dép năm, mười nghìn đồng, có khi là cái mũ tiền trăm, ông bị con trách. Từ đó, ông ngại chuyện trò. Mỗi lần có khách nhận ra mặt, ông đều chối: "Tôi không phải Trần Hạnh".
Nghệ sĩ Trần Hạnh ở nhà riêng năm 2019. Ảnh: Hà Thu.
Cuộc đời Trần Hạnh trải qua nhiều vất vả, nhưng chẳng bao giờ ông ca cẩm bởi thường nói với con cháu "nhiều người còn khổ hơn mình". Thuở trẻ, cha mất sớm, ông làm nghề đóng giày phụ mẹ nuôi gia đình. Ban ngày đi làm, buổi tối, nghệ sĩ sinh hoạt ở Đoàn Kịch Thanh niên Hà Nội. Đến năm 1959, ông về Đoàn Kịch Hà Nội, chấp nhận cuộc sống chật vật với vài chục đồng lương mỗi tháng, chỉ đủ đong gạo cho gia đình. Ông và vợ có bảy con, ba người đã mất.
Ông và bà xã là hàng xóm, kết hôn qua mai mối. Ông trân trọng bà vì những năm tháng ông vất vả theo đuổi đam mê sân khấu, bà chạy vạy từng bữa cơm cho gia đình. Về già, bà ốm liệt giường. Suốt hơn 10 năm, đêm nào ông cũng nằm canh cho vợ ngủ. Tầm 12h đêm, bà mệt quá thiếp đi, ông mới yên tâm chợp mắt. Trần Hạnh gọi đó là những tháng ngày "trả nghĩa" cho vợ bởi bà đã hy sinh nhiều, để chồng thỏa đam mê với nghề. Vợ qua đời năm 2011, ông lại tiếp tục chăm con út ngoài 40 tuổi bị chấn thương não vì tai nạn, mới đỡ hơn vài năm nay.
Dù vậy, khi được hỏi : "Tên ông là Trần Hạnh. Theo ông, hạnh này là hạnh phúc hay bất hạnh?", Trần Hạnh cười tươi: "Hạnh phúc. Tôi được như ngày hôm nay là mừng lắm rồi".
70 năm làm nghệ thuật, ông giữ trọn tình yêu chân thành với phim ảnh. Niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời Trần Hạnh là được diễn xuất. Nghệ sĩ không bao giờ tính toán thiệt hơn, mặc cả thù lao khi đi diễn. Hết phim, nhà sản xuất muốn đưa ông bao nhiêu thì đưa. Ông cũng hay đóng tiểu phẩm, phim ngắn giúp nhiều học sinh, sinh viên.
Năm 1998, Trần Hạnh đóng phim Tình đời của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Lúc ấy, diễn viên Tùng Dương làm tổ chức sản xuất. Phim đóng máy, thấy ông vất vả, Tùng Dương bàn với bà xã lúc ấy là diễn viên Hoa Thuý - trả thù lao ông cao hơn một chút. Lúc anh đưa phong bì, ông rút tiền bên trong ra rồi hỏi: "Ôi sao nhiều thế con, hay mày đưa nhầm". Anh nói phim dư dả kinh phí, ông mắng "Mày điêu" rồi rút 400.000 nghìn đồng (một phần ba thù lao của ông) trả lại, nói là quà cho vợ, con anh.
Ông luôn giữ thái độ nghiêm túc với nghề. Hồi ngoài 80 tuổi, ông vẫn chạy xe Honda 82 đi theo các đoàn làm phim, lúc nào cũng đến sớm ít nhất 15 phút. Ông nói đi theo ôtô thì ở những nơi không cần thiết có mặt cả ngày, mình vẫn phải chờ đoàn tới 10h đêm, trong khi vợ, con ở ốm ở nhà.
Ông thường xuyên nhắc nhở thế hệ con cháu phải nghiêm túc trên phim trường, trong đó việc tiên quyết là học thuộc kịch bản. Năm 2017, khi quay phim điện ảnh Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng, thấy anh lo lắng, sợ ông mệt, không nhớ thoại, ông ôn tồn nói: "Anh yên tâm, tôi nhớ hết rồi. Khi tôi đã ở đây là tôi rất tập trung".
Sinh ra trên phố Hàng Bạc, Trần Hạnh thời trẻ có phong thái hào hoa của người Hà Nội. Trên sân khấu, ông từng hoá thân thành công vai Nguyễn Trãi, vở Lam Sơn tụ nghĩa, được nhà biên kịch Lưu Quang Vũ khen ngợi trong cuốn Người Hà Nội: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội". Về già, ông lại gắn với những vai ông lão hiền lành, khắc khổ trong các phim Cuốn sổ ghi đời, Ngõ lỗ thủng, Tình đời, Chiếc bình tiền kiếp, Người không cầu may... Nhiều khán giả nói nhìn hình ảnh ông, họ xúc động khi nhớ đến người thân của mình. Ông từng mơ ước và nhiều lần xin được đóng vai phản diện, là một lão già keo kiệt hoặc độc ác. Thế nhưng nhiều đạo diễn không đồng ý bởi gương mặt, tính cách ông quá đỗi hiền lành.
Những năm cuối đời, niềm an ủi lớn nhất của nghệ sĩ là danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, được trao tặng năm 2019. Ông từng tâm sự: "Trước đây, tôi từng nghĩ giá như được ghi nhận sớm, trở thành Nghệ sĩ Nhân dân khi 60 tuổi thì tốt biết mấy. Như vậy, mình sẽ có động lực cống hiến. Thế nhưng sau nhiều năm, tôi không còn đặt nặng vấn đề này, chỉ mong có vai diễn để được làm nghề. Giờ đây, khi được Nhà nước, công chúng ghi nhận, tôi thấy được an ủi phần nào vì ít ra mình vẫn còn sống. Tôi tiếc nuối cho nhiều đồng nghiệp ra đi khi chưa kịp nhận danh hiệu".
Giờ đây, khi ông ra đi, "tài sản" mang theo không chỉ có danh hiệu mà còn là tình cảm của nhiều thế hệ đồng nghiệp, khán giả, dành cho một ông lão tình cảm, hiền lành. Giây phút cuối đời, khi con, cháu hỏi về tâm nguyện cuối cùng, ông lặng im. "Bố ra đi thanh thản. Có lẽ bố mãn nguyện nhắm mắt xuôi tay sau ngần ấy năm sống và cống hiến cho nghệ thuật", chị Hồng - con dâu nghệ sĩ - nói.
*VietBF@sưu tập