Rửa mặt bằng nước quá nóng hay dùng điện thoại liên tục là những thói quen khiến da lão hóa nhanh chóng mặt.
Thường xuyên trang điểm đậm
Trang điểm giúp bạn che đi những khiếm khuyết trên da nhưng việc make up quá đậm và tần suất quá dày sẽ khiến da bí bách, không có điều kiện hồi phục, tái tạo, dẫn đến lão hóa sớm.
Không dùng kem chống nắng
Kem chống nắng không chỉ có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV mà còn giúp da kháng lại các yếu tố khác từ môi trường như bức xạ nhiệt, ô nhiễm môi trường và cả ánh sáng xanh. Mặt khác, nó còn giúp chống lão hóa da và ngăn ngừa mụn trên da.
Tẩy da chết quá nhiều
Tẩy da chết giúp loại bỏ được lớp tế bào xỉn màu, làm sạch da, tăng cường sức khỏe cho da để chống lại các tác nhân gây lão hóa sớm. Hơn nữa, việc tẩy da chết còn giúp tạo ra môi trường thuận lợi hơn da hấp thu các dưỡng chất từ các bước chăm sóc da. Tuy nhiên nếu tẩy da chết quá nhiều, lớp màng bảo vệ da sẽ vô tình bị tổn thương, trở nên khô ráp, nhạy cảm và yếu hơn, đẩy nhanh tốc độ lão hóa.
Dùng mỹ phẩm không phù hợp
Sử dụng các sản phẩm chăm sóc không phù hợp với tính chất của làn da chẳng những sẽ không đem lại kết quả như ý muốn mà còn dẫn đến nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn nếu bạn sở hữu làn da dầu nhưng lại sử dụng sữa rửa mặt hay dầu tẩy trang cho da nhạy cảm thì rất có thể, làn da sẽ không được làm sạch đầy đủ, tình trạng dầu thừa không được kiểm soát, dẫn đến mụn nhiều hơn hoặc làn da bị xỉn màu.
Rửa mặt bằng nước quá nóng
Khi rửa mặt bằng nước nóng, nhiệt độ cao của nước sẽ khiến làn da thêm khô rát, dễ bị kích ứng và dễ khiến lớp màng bảo vệ da bị tổn thương dẫn đến tình trạng nếp nhăn xuất hiện dày đặc, đồng thời lỗ chân lông cũng to hơn.
Không dưỡng ẩm cho da dầu
Không dưỡng ẩm vì nghĩ rằng da dầu vốn đã đủ ẩm, thậm chí thừa chính là sai lầm kinh điển. Việc tuyến dầu hoạt động mạnh trên da là do sự mất cân bằng độ ẩm giữa bề mặt da và tuyến nhờn. Làn da không được cấp đủ ẩm sẽ trở nên khô ráp, kém căng mịn và thiếu sức sống.
Nằm ngủ sai tư thế
Nằm nghiêng hay nằm sấp khiến một phần da mặt tiếp xúc với gối, về lâu dài nó sẽ hình thành nên nếp nhăn ở một bên khuôn mặt và cả ở cổ, ngực.
Nhai kẹo cao su và thường xuyên dụi mắt
Quan điểm nhai kẹo cao su liên tục giúp cơ mặt căng hơn, linh hoạt hơn hoàn toàn không chính xác. Ngược lại, việc hoạt động hàm liên tục có thể khiến các nếp nhăn quanh miệng xuất hiện nhanh hơn so với bình thường. Tiến sĩ Dennis Gross, chuyên gia các bệnh về da của Mỹ cho biết: "Phần da ở mắt rất dễ sinh ra nếp nhăn và các vết chân chim. Nếu bạn thường chà xát hoặc dụi mắt sẽ làm hỏng tính đàn hồi của da, thậm chí làm vỡ cách mạch máu nhỏ và tăng quá trình lão hóa."
Sử dụng các thiết bị điện tử liên tục
Dùng điện thoại liên tục khiến làn da 'khô héo'.
Luồng bức xạ từ máy tính, điện thoại khiến độ ẩm trên da bị mất đi nhanh chóng, từ đó hình thành tế bào chết, khiến làn da "khô héo", thô ráp, kém tươi tắn, mịn màng. Theo thời gian, việc tiếp xúc với các bức xạ này thường xuyên có thể làm ảnh hưởng đến cấu trúc collagen bên trong da, dẫn đến tình trạng da chảy xệ, hình thành vết chân chim và các nếp nhăn.
Thức khuya trong thời gian dài
Tiến sĩ Ellen Héctor Figueroa, chuyên gia y học về giấc ngủ của Trung tâm y học Cornell, Mỹ cho biết: "Thức khuya thật sự gây ra nhiều tác hại đối với cơ thể con người, bao gồm mắt thâm quầng, sưng húp, da đen sạm và dễ bị lão hóa hơn. Nguyên nhân là do thức khuya sẽ dẫn đến mức độ cortisol tăng cao, ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng và tự hồi phục của tế bào trong cơ thể người". Tốt nhất, bạn nên dành 7-8 tiếng cho giấc ngủ mỗi ngày để đảm bảo sức khoẻ cho cơ thể và làn da.