Đu đủ là loại trái cây ngon-bổ-rẻ, rất thân thuộc với hầu hết người Việt. Ngoài ra chúng còn chứa nhiều thành phần hữu ích trong việc phòng chống các bệnh tim mạch và ung thư, ngăn ngừa các chất có hại và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Theo Đông y, quả đu đủ chín vị ngọt tính mát, lành tính, không có độc tố. Ăn vào mùa nào cũng tốt cho sức khỏe. Quả đu đủ xanh cũng được sử dụng để chữa rất nhiều bệnh. Dưới đây là công dụng và những bài thuốc hay từ đu đủ với sức khỏe con người.
Phòng chống ung thư
Hợp chất beta carotene có trong đu đủ đã được chứng minh về khả năng làm giảm nguy cơ gây bệnh ung thư. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cancer Epidemiology and Prevention Biomarkers, ở những người đàn ông trẻ tuổi, chế độ ăn giàu dưỡng chất beta-carotene có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Giúp giảm cân
Một trái đu đủ chỉ chứa khoảng 11g đường.Bên cạnh đó, đu đủ cũng chứa rất ít calorie. Vì thế, đây sẽ là một khẩu phần ăn nhẹ tuyệt vời giúp bạn cảm thấy no bụng hơn sau bữa ăn chính. Là loại thực phẩm rất tốt cho những ai muốn giảm cân.
Tốt cho mắt
Zeaxanthin là một chất chống oxy hóa trong đu đủ chin, có khả năng loại bỏ các tia sáng xanh gây hại. Vì thế, các nhà dinh dưỡng học tin rằng zeaxanthin đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe thị giác, đồng thời giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.
Tốt cho xương khớp
Đu đủ chứa một lượng vitamin K dồi dào, vitamin K có khả năng cải thiện quá trình hấp thụ canxi, đồng thời làm giảm hàm lượng canxi bị đào thải thông qua tiểu tiện. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ giữ lại được nhiều canxi hơn để củng cố và tái xây dựng cấu trúc xương.
Tốt cho tim mạch
Hàm lượng chất xơ, kali và vitamin chứa trong đu đủ có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Việc tăng cường hấp thu kali và giảm bớt lượng muối tiêu thụ hàng ngày sẽ đem lại cho bạn chế độ dinh dưỡng lành mạnh hơn. Nhờ đó, bạn có thể giảm thiểu được các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Đu đủ có chứa một loại enzyme có tên là papain – có khả năng hỗ trợ hệ tiêu hóa. Trên thực tế, papain có thể được sử dụng như một chất làm mềm thịt. Ngoài ra, loại trái cây này cũng chứa hàm lượng chất xơ và nước cao, giúp ngăn ngừa chứng táo bón, thúc đẩy quá trình bài tiết diễn ra đều đặn và duy trì sức khỏe đường ruột.
Những bài thuốc hay từ quả đu đủ
Tẩy giun kim cho trẻ nhỏ: cho trẻ ăn đu đủ chín (50-100g) mỗi ngày, trong 7-10 ngày (sau bữa cơm chiều).
Chữa ho, viêm phổi, mất tiếng: hoa đu đủ hấp với đường phèn.
Chữa bong gân, sai khớp: đu đủ xanh 10g, lá na 10g, muối ăn 5g, vôi tôi 5g. Tất cả giã nát, phết lên gạc, đắp lên chỗ sưng đau sau khi đã nắn chỉnh hình khớp.
Chữa rắn độc cắn: lá đu đủ, rễ chỉ thiên, lá hoặc quả ớt, mỗi vị 50g. Tất cả rửa sạch, giã nát, thêm ít nước, gạn nước uống, bã đắp vào vết rắn cắn.
Hoặc rễ đu đủ 20g, lá xuyên tiêu 10g, hồng bì 5 hạt. Giã nát, thêm nước, gạn nước cho uống, bã đắp.
Chữa ho, viêm họng: hoa đu đủ đực 15g, xạ can 10g, mạch môn 10g, lá húng chanh 10g. Tất cả cho vào bát nhỏ, thêm ít muối, hấp cơm, nghiền nát. Ngậm và nuốt nước.
Chữa ho gà: hoa đu đủ đực sao vàng 20g, trần bì 20g, vỏ rễ dâu (tẩm mật sao) 20g, bách bộ 12g, phèn phi 12g. Tất cả sấy khô tán bột. Ngày uống 3 lần. Trẻ em 1-5 tuổi, mỗi lần 1-4g; trẻ 5-10 tuổi, mỗi lần 5-8g.
Lợi sữa: đu đủ xanh 50g, lá sung non 50g, chân giò 1 cái, gạo nếp 100g. Đu đủ gọt vỏ bỏ hạt; lá sung rửa sạch, băm nát; chân giò cạo bỏ lông, rửa sạch chặt miếng. Tất cả nấu cháo, chia 2 lần ăn trong ngày.
Chữa lở mặt, lở đầu: nhựa quả đu đủ xanh 1g, bột hàn the 1g, thêm ít nước, trộn đều, bôi lên vết lở hàng ngày.
Trên đây là những lợi ích tuyệt vời từ quả đu đủ. Tuy nhiên phụ nữ có thai không nên dùng nhựa và ăn đu đủ xanh.