(USA Today) – Kể từ giữa tháng 11, có những lời đồn vô căn cứ tràn lan trên mạng trực tuyến rằng Lục quân Hoa Kỳ thực hiện một cuộc đột kích ở Đức, thu giữ một số máy chủ có chứa thông tin liên quan đến bầu cử.
Trung tướng Không quân hồi hưu Thomas McInerney tung tin đồn trong một cuộc phỏng vấn trên Worldview Radio & WVW-TV vào ngày 28 tháng 11. “Lục quân Hoa Kỳ, Tư lệnh các Lực lượng Đặc biệt Mỹ, phong toả một công ty máy chủ ở Frankfurt, Đức,” ông Mcinerney nói. Viên Tướng cũng bảo rằng, ông ta nghe nói cuộc đột kích này không trôi chảy. “Tôi không thể xác minh, nhưng tôi muốn cẩn thận về việc này. Tin tức vừa mới loan ra, nhưng theo tôi hiểu, tường trình ban đầu của tôi là có lính Mỹ bị thiệt mạng trong chiến dịch đó.”
Những người như Steve Willingham ngay lập tức lên Facebook tuyên bố, 5 binh sĩ tử thương trong vụ trực thăng rơi ở Ai Cập vào ngày 12 tháng 11 thực ra là bị thiệt mạng trong vụ đột kích ở Đức. “Tin tức cho biết có 5 người chết trong tai nạn huấn luyện,” Willingham đăng trên Facebook vào ngày 30 tháng 11. “Tướng McInerney bảo ‘không,’ họ bị sát hại khi đột kích vào công ty máy chủ CIA.”
Trên thực tế, không có binh sĩ nào thiệt mạng trong cuộc đột kích tưởng tượng đó.
Lục quân Hoa Kỳ không thực hiện bất cứ cuộc đột kích nào ở Đức Quốc để thu giữ máy chủ có chứa thông tin liên quan bầu cử. Câu chuyện trước đó từng bị USA Today vạch trần không có thật. Vì không có đột kích thì làm gì có thiệt hại nhân mạng.
Phát ngôn nhân Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Lục quân Hoa Kỳ và Văn phòng Công vụ Lục quân xác nhận với AP, những tuyên bố về cuộc đột kích không đúng sự thật. “Những cáo buộc đó sai sự thật!” họ nói.
Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt không có tai nạn chết người nào kể từ tháng 8 đến nay, khi 2 binh sĩ tử vong trong vụ trực thăng rơi ở California. Binh sĩ hy sinh trong trận chiến gần đây nhất ở Afghanistan vào tháng 2, theo tờ Military Times.
5 binh sĩ tử thương trong vụ trực thăng rơi ở Sinai, Ai Cập, vào ngày 12 tháng 11 khi đang thực hiện sứ mạng hoà bình. Mặc dù nguyên nhân gây trực thăng rơi vẫn đang được điều tra, nhưng điều tra sơ bộ ban đầu cho thấy có vẻ đây là vụ tai nạn và không có dấu hiệu bị tấn công.
Trong khi đó, ông McInerney không phải là nguồn tin đáng tin cậy. Giải ngũ khỏi Không lực Hoa Kỳ vào năm 1994, viên Tướng hồi hưu có lịch sử đưa ra những tuyên bố sai sự thật và gây tranh cãi. Vào năm 2010, ông ta đặt câu hỏi liệu hồ sơ khai sanh của Tổng thống Barack Obama có thực hay không. Chiến dịch của Obama trước đó đăng giấy khai sanh của ông trên mạng trực tuyến vào năm 2008, trước những thuyết âm mưu rằng ông không được sanh ra ở Mỹ.
Vào năm 2018, Fox News thông báo không mời McInerney tham gia cộng tác viên nữa sau khi ông ta tuyên bố sai trái rằng, tra tấn “có hiệu quả” đối với Thượng nghị sĩ John McCain – người bị Cộng sản Bắc Việt Nam cầm tù 5 năm.
Phát ngôn nhân Lục quân Hoa Kỳ xác nhận, không có cuộc đột kích nào ở Đức, và cũng không có thương vong. Theo nghiên cứu và đánh giá kiểm tra sự thật của USA Today, tuyên bố binh sĩ tử vong trong một cuộc đột kích của Mỹ nhắm vào máy chủ ở Đức hoàn toàn SAI sự thật.
Hương Giang (Theo USA Today)