Ông Biden cân nhắc bổ nhiệm 'tổng chỉ huy' chuyên trách châu Á. Điều này cho thấy ông Joe Biden đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực trong bối cảnh căng thẳng Mỹ -Trung.
Dẫn 5 nguồn thạo tin về những thảo luận nội bộ nhóm chuyển giao tổng thống, Finacial Times cho biết ông Joe Biden đang cân nhắc tạo thêm vị trí mới trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) - được ví von là "tổng chỉ huy" cho chính sách Mỹ ở châu Á.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của khu vực trong chính sách đối ngoại Mỹ ngày một lớn, kể từ khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố "xoay trục" sang châu Á.
"Tổng thống tân cử nhiều lần nói rõ khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trong những cơ hội to lớn đối với Mỹ, nhưng cũng là nơi mà lợi ích và giá trị của chúng ta đang đối mặt thách thức ngày càng lớn", một thành viên đội chuyển giao cho biết.
Ông Joe Biden có thể thành lập một vị trí mới trong bộ máy an ninh quốc gia chuyên trách về chính sách châu Á, bao gồm chiến lược ứng phó Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Theo nguồn tin này, chính phủ kế nhiệm sẽ chọn "nhân sự và cấu trúc phù hợp" để thúc đẩy những lợi ích và giá trị Mỹ cùng với các đồng minh. Đây là một trong những ý tưởng mà Jake Sullivan - người sẽ giữ chức Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ sau khi ông Joe Biden nhậm chức - đang cân nhắc.
Vị trí mới cho bối cảnh mới
Quan hệ Mỹ - Trung phức tạp và căng thẳng hơn nhiều so với thời ông Joe Biden rời Nhà Trắng vào 4 năm trước. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ngày càng thống nhất rằng Mỹ cần cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Ông Biden sẽ lèo lái một nước Mỹ đang đối đầu với Trung Quốc cả về chính trị, thương mại và kinh tế. Ông phải đưa ra những phản ứng phù hợp trước hàng loạt vấn đề nhạy cảm tại Trung Quốc, đơn cử là phong trào biểu tình ở Hong Kong, hay mối đe dọa từ các công ty Trung Quốc đến an ninh quốc gia Mỹ.
Trước ngày bầu cử, nhiều chuyên gia từng đề nghị ông Biden bổ nhiệm một vị trí mới chuyên về Trung Quốc. Người này cần có sức ảnh hưởng bao trùm các bộ, ngành.
Tuy nhiên, đội ngũ cố vấn không ủng hộ ý tưởng này. Họ cho rằng việc chỉ định một quan chức chuyên về Trung Quốc sẽ giúp Bắc Kinh hiểu rõ nhân vật nào cần tập trung gây áp lực.
Một nguồn tin tiết lộ đội ngũ của ông Biden vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về vị trí đặc trách châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Người này cho biết đội chuyển giao cân nhắc nhiều phương án nhưng chưa có quyết định thống nhất để trình lên tổng thống đắc cử.
Jeff Prescott, thành viên nhóm chuyển giao của ông Biden, được đánh giá là ứng viên hàng đầu cho vị trí "tổng chỉ huy" mới.
Trả lời Financial Times vào tháng 10, Prescott nhấn mạnh một lý do mà tổng thống đắc cử Joe Biden muốn tái thiết hệ thống đồng minh là để tăng cường hợp tác đối phó Trung Quốc.
Mô hình cồng kềnh và chồng chéo?
Một trong những mô hình được cân nhắc là chia các văn phòng trực thuộc NSC theo khu vực địa lý, với 3 giám đốc lần lượt phụ trách Trung Quốc, Ấn Độ và nhóm đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ba vị trí này sẽ báo cáo trực tiếp cho nhân vật cấp cao của NSC chuyên trách toàn bộ châu Á.
"Tầm quan trọng của châu Á được nâng cao (trong chính phủ Mỹ) sẽ là tín hiệu tích cực cho khu vực. Điều này cũng không mấy bất lợi với châu Âu vì Trung Quốc vẫn là trọng tâm chính trong các vấn đề xuyên Đại Tây Dương", một chuyên gia chia sẻ.
Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô bị đóng cửa vào tháng 7 cho thấy quan hệ Mỹ - Trung đang trong giai đoạn căng thẳng nhất từ trước đến nay. Ảnh: Reuters.
Người này đánh giá cách Mỹ tổ chức mô hình mới sẽ là "phép thử uy tín" đối với các đồng minh trong khu vực, điển hình là Nhật Bản.
"Liệu mục tiêu (của Mỹ) là hợp tác cùng châu Á để đối phó Trung Quốc, hay chỉ nâng tầm quan trọng của Trung Quốc trong chính sách của Nhà Trắng", vị chuyên gia cho rằng giả thuyết đầu tiên thuyết phục hơn.
Theo giới chuyên gia, việc Nhà Trắng chỉ định "tổng chỉ huy" chính sách châu Á sẽ gửi tín hiệu tích cực đến các đồng minh. Đây là sự thay đổi đáng kể so với thái độ của Tổng thống Donald Trump.
Mô hình tương tự được ông Biden áp dụng với chính sách chống biến đổi khí hậu, khi ông chỉ định cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry làm đặc phái viên cho vấn đề này.
Trong khi đó, một số chuyên gia cảnh báo mô hình chuyên trách tiềm ẩn rủi ro khiến bộ máy cồng kềnh hơn và dẫn đến tranh giành ảnh hưởng nội bộ.
Một cựu quan chức an ninh quốc gia ví von cách tổ chức này chỉ "tạo thêm trạm dừng cho chuyến xe liên ngành" và khiến quá trình ra quyết sách chậm đi.
Một cựu quan chức khác cho rằng vị trí mới vẫn có khả năng hiệu quả nếu nhân vật được chỉ định phù hợp và có tiếng nói, nhưng vẫn khó tránh khỏi rủi ro bộ máy thêm cồng kềnh.
VietBF@ sưu tầm.