Bản án 2 năm tù cho người chồng ngược đãi vợ đến chết ở tỉnh Sơn Đông khiến nhiều người dân bất bình.
Trước sự phản đối kịch liệt của dư luận, tòa án trung cấp thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông vào ngày 19/11 đã thông báo hủy án sơ thẩm.
Theo hồ sơ tòa án, nạn nhân Phương Dương Dương được bố mẹ gả cho Trương Bỉnh vào năm 2016, tiền thách cưới 130.000 nhân dân tệ. Sau kết hôn, Dương bị Bỉnh và bố mẹ chồng ngược đãi đánh bằng gậy gỗ, phạt đứng ngoài trời giữa mùa đông, nhốt trong nhà, và bỏ đói. Cô chết ở tuổi 22, vào tháng 1/2019.
Biên bản giám định pháp y cho thấy tại thời điểm tử vong, Dương bị thiếu dinh dưỡng và có nhiều thương tích do ngoại lực tác động. Dương khi ấy chỉ nặng 30 kg, giảm hơn một nửa so với khi mới về nhà chồng.
Nguyên nhân Dương bị ngược đãi vì không mang thai. Gia đình chồng còn cho rằng cô bị "bệnh tâm thần" khi không hoàn thành việc nhà.
Xét xử sơ thẩm vào tháng 1, tòa án thành phố Vũ Thành, thuộc thành phố Đức Châu, nhận định các bị cáo khai trung thực và đã bồi thường hơn 40.000 nhân dân tệ cho gia đình nạn nhân nên cho giảm nhẹ án hơn so với mức kiểm sát viên đề nghị là 5-7 năm tù. Tòa tuyên các bị cáo phạm tội Ngược đãi, Bỉnh hai năm tù treo, bố mẹ Bỉnh lần lượt nhận ba năm và hai năm hai tháng tù.
Sau khi báo chí đưa tin về sự việc, tòa án trung cấp Đức Châu nhận định tòa cấp dưới đã vi phạm quy định tố tụng khi không tổ chức công khai phiên xử sơ thẩm, từ đó ra quyết định hủy án để tái thẩm.
Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới có tội danh Ngược đãi, theo Trần Hồng Binh, Giám đốc Viện Nghiên cứu luật hình sự Đại học Đông Nam (Trung Quốc). "Mục đích cuối cùng của pháp luật là bảo vệ nạn nhân, không phải là tấm lệnh bài bảo vệ kẻ bạo hành gia đình. Nếu không, hôn nhân sẽ là nơi ẩn náu giúp tội phạm trốn xử phạt", ông Binh nói.
So với tội Cố ý thương tích dẫn tới chết người (có mức phạt lên tới tử hình), tội Ngược đãi chỉ áp dụng khi người gây án là thành viên trong gia đình, mức phạt cao nhất 7 năm tù. Một số chuyên gia pháp lý cho rằng đây là biểu tượng của sự nhân nhượng dành cho hành vi bạo lực gia đình.
Những năm gần đây, các vụ án bạo lực gia đình thường được dùng làm căn cứ kêu gọi sửa đổi luật hình sự. Ví dụ, năm 2009, dư luận từng phản đối kịch liệt trước việc Đổng San San, 26 tuổi, sống tại Bắc Kinh, bị chồng đánh chết nhưng thủ phạm chỉ nhận 6 năm 6 tháng tù về tội Ngược đãi. Vụ án này được nhiều người cho là đã thúc đẩy việc Trung Quốc lần đầu ban hành đạo luật chống bạo lực gia đình vào năm 2015.
Theo báo cáo năm 2020 của Weiping, nhóm hoạt động vì quyền phụ nữ có trụ sở ở Bắc Kinh, cứ năm ngày lại có ba phụ nữ ở Trung Quốc chết vì bị bạo hành. Phụ nữ nông thôn sẽ đặc biệt khó khăn khi tìm kiếm hỗ trợ nếu bị bạo hành.
|