Scott Sedlacek được các y bác sĩ chăm sóc tận tình sau khi mắc Covid-19 và bình phục hồi tháng 3, nhưng di chứng của căn bệnh vẫn đeo bám ông.
Vì thế, Sedlacek, người đàn ông 64 tuổi tại thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ, vô cùng phẫn nộ khi nghe Tổng thống Donald Trump nói "đừng sợ nCoV", cũng như chứng kiến ông chủ Nhà Trắng ngồi trong xe vẫy tay chào người ủng hộ bên ngoài Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed, bang Maryland, hôm 4/10.
"Tôi rất vui vì ông ấy dường như đang hồi phục tốt, khi các bác sĩ có thể cung cấp cho ông ấy những loại thuốc thử nghiệm không có sẵn cho công chúng. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, những người đang cố gắng bảo vệ bản thân, hành vi đó thật đáng xấu hổ", Sedlacek, người từng phải trải qua cơn sốt cao và khó thở vì Covid-19, cho hay.
Scott Sedlacek đứng bên ngoài một viện dưỡng lão ở thành phố Kirkland, bang Washington, Mỹ, hôm 12/3. Ảnh: AP.
Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, với hơn 7,6 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 215.000 người chết, kéo theo nền kinh tế lao dốc và hàng triệu người mất việc làm, bao gồm Sedlacek. Mỹ chiếm chưa tới 5% dân số toàn cầu, nhưng chiếm tới hơn 20% tổng số trường hợp tử vong vì Covid-19 trên thế giới.
Bất chấp thực tế đó, Tổng thống Trump, người cũng nhiễm nCoV và xuất viện sau 4 ngày, vẫn kêu gọi công chúng không sợ hãi đại dịch. "Đừng sợ Covid. Đừng để nó chi phối cuộc sống của bạn. Dưới chính quyền Trump, chúng ta đã phát triển một số loại thuốc và kiến thức thật sự tuyệt vời. Tôi cảm thấy khỏe hơn cả 20 năm trước!", ông viết trên Twitter hôm 5/10.
Lời khuyên này tương tự cách tiếp cận hạ thấp mức độ nghiêm trọng của Covid-19 mà Trump vẫn thể hiện, như việc chế nhạo ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đeo khẩu trang quá nhiều, tiếp tục chủ trì các cuộc vận động tranh cử đông người, làm trái hướng dẫn y tế khi tổ chức sự kiện ở Nhà Trắng.
Marc Papaj, một cư dân New York mất mẹ, bà và dì trong đại dịch, cảm thấy thật khó làm theo lời khuyên không để virus "chi phối cuộc sống của bạn". "Việc mất những thành viên gia đình thân yêu nhất sẽ mãi mãi ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi theo mọi cách, trong suốt phần đời còn lại. Trump không quan tâm đến bất kỳ ai trong chúng tôi. Ông ấy đang cảm thấy khỏe", Papaj cho hay.
Ngoài những người sống sót sau khi nhiễm nCoV và gia đình các nạn nhân, những bác sĩ phòng cấp cứu hay chuyên gia y tế cũng đánh giá phát ngôn của Trump đặc biệt nguy hiểm, tại thời điểm virus đang lây lan mạnh hơn ở nhiều địa phương.
"Tổng thống nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất thế giới, cùng chiếc trực thăng đưa ông ấy đến bệnh viện khi cần. Còn chúng ta, những người không được túc trực như vậy, nên tiếp tục lo lắng về Covid-19, căn bệnh đã giết một triệu người trên toàn cầu chỉ trong vài tháng", tiến sĩ Janet Baseman, nhà dịch tễ học tại Trường Y Cộng đồng thuộc Đại học Washington, nêu ý kiến.
Tuy nhiên, một số người ủng hộ Trump cho biết họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống bất chấp sự lây lan nCoV tại Nhà Trắng. Theo Melissa Blundo, chủ tịch nhóm vận động chính trị "No Mask Nevada", đeo khẩu trang chỉ là một lựa chọn và việc bắt buộc sử dụng nó sẽ hạn chế quyền tự do.
"Tôi không nói rằng nCoV không có thật và đây không phải đại dịch. Theo tôi, bệnh lao cũng có thể được gọi là đại dịch bởi cứ mỗi 21 giây lại một người qua đời vì nó, nhưng chúng ta vẫn không đóng cửa cả thế giới. Tôi chỉ thấy lạ lùng khi phải đóng cửa nền kinh tế vì đại dịch này", Blundo cho hay.
Trong khi đó, Candy Boyd, chủ một nhà tang lễ phục vụ nhiều gia đình người da màu ở Los Angeles, bang California, đánh giá bình luận của Trump là "ví dụ cho việc ông ấy không sống trong thực tế". Cô cho biết nhà tang lễ hiện tiếp nhận ít nạn nhân Covid-19 hơn so với hồi mùa xuân, nhưng vẫn nhiều người qua đời vì đại dịch.
"Mọi người đang chết dần, nhưng đây chỉ là trò đùa với ông ấy. Tôi thì không xem nhẹ chuyện này, bởi nó thật đau buồn", Boyd nói.