Các hộ gia đình có thu nhập dưới 100.000 NDT (tương đương với 14.650 USD)/năm tại TQ đang sống trong cảnh khó khăn chồng chất bất chấp việc chính phủ Bắc Kinh rêu rao rằng, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng trở lại.
Nền kinh tế TQ đang cho thấy có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau đợt đại suy thoái do dịch Covid-19. Xuất khẩu tăng mạnh ở mức hai con số, doanh số bán lẻ dần dần được phục hồi trở lại mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Cuộc sống bình thường đã quay trở lại tại phần lớn các khu vực ở TQ.
Tuy nhiên, các hộ gia đình nghèo tại đây vẫn sống khá chật vật. Theo Bloomberg, nền kinh tế TQ đang phục hồi theo dạng chữ K, tức giới trung và thượng lưu hồi phục và phát triển nhanh chóng, còn người nghèo ngày càng nghèo thêm. Dịch Covid-19 trên thực tế đã khiến cho tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại nước này trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.
Khảo sát Tài chính Hộ gia đình TQ cho thấy hầu hết hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập dưới 100.000 NDT (14.650 USD)/năm đều giảm mức thu nhập trong nửa đầu năm 2020. Chỉ những người thu nhập hơn 300.000 NDT (44.000 USD)/năm mới tăng được số tài sản tích lũy.
Hàng triệu lao động nhập cư TQ chật vật mưu sinh dù cho nền kinh tế đã phục hồi. (Ảnh: Xinhua)
Doanh số các mặt hàng xa xỉ như túi xách, mỹ phẩm từ các thương hiệu
Chanel, Louis Vuitton và các thương hiệu khác liên tục tăng cho thấy sự tự tin và dư dả về tài chính của giới nhà giàu TQ. Nhưng cuộc sống của người nghèo nước này vô cùng chật vật.
Khác với Mỹ, TQ không kích thích kinh tế bằng biện pháp hỗ trợ tài chính hay trợ cấp thất nghiệp cho người dân như chương trình cung cấp 600 USD/tuần/người ở Mỹ, mà tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng như tàu cao tốc và trạm viễn thông 5G.
Bloomberg nhận định TQ giải cứu nền kinh tế bằng phương pháp
"kinh tế nhỏ giọt", có nghĩa là các chủ doanh nghiệp hưởng lợi, trong khi người lao động phổ thông không hề được hỗ trợ. Giới quan sát cho rằng chính sách này có thể dẫn đến những hậu quả lâu dài.
Theo thống kê, trong số 442 triệu công nhân thành thị ở TQ, có hơn 30%, tương đương 174 triệu người, là dân nhập cư. Họ làm việc trong các lĩnh vực như xây dựng, giao hàng và sản xuất với mức lương ít ỏi.
Nhiều lao động nhập cư ở các thành phố TQ không còn sự lựa chọn, buộc phải trở về quê làm nông. (Ảnh: Getty Images)
Khi các ngành này đình trệ vì dịch Covid-19, lao động nhập cư không chỉ mất việc làm mà còn không nhận được trợ cấp thất nghiệp. Không có hộ khẩu thường trú, họ chỉ còn cách quay trở về quê nhà làm nông.
Theo ước tính của hãng nghiên cứu
Gavekal Dragonomics, các hộ gia đình thuộc nhóm 60% nghèo nhất có thể chịu thiệt hại lên đến 1.350 tỷ NDT (198 tỷ USD) vì dịch Covid-19. Hàng trăm ngàn người khác vẫn còn đang thất nghiệp. Trong tháng 8, doanh thu của ngành dịch vụ ăn uống, sử dụng khoảng 12 triệu lao động nhập cư, đã giảm 7% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục Thống kê TQ, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị nước này giảm còn 5,6% trong tháng 8 từ mức cao 6,2% hồi tháng 2. Tuy nhiên, con số này có thể chưa đánh giá đúng mức độ thất nghiệp thực tế, bởi số liệu từ người lao động nhập cư hầu như không được đưa vào kết quả khảo sát.