Con tàu nặng gần nửa tấn phóng vào năm 1964 sẽ bốc cháy và vỡ vụn trong hành trình xuyên qua khí quyển Trái Đất ở tốc độ cao.
Tàu OGO-1 đang rơi xuống Trái Đất trong dữ liệu của NASA. Ảnh: Space.
Tàu vũ trụ Orbiting Geophysics Observatory 1 (OGO-1) phóng vào tháng 9/1964 để nghiên cứu từ trường Trái Đất và cách hành tinh của chúng ta tương tác với Mặt Trời. Vệ tinh này thu thập dữ liệu cho tới năm 1969. Nó chính thức ngừng hoạt động vào năm 1971 và bay lặng lẽ quanh Trái Đất theo quỹ đạo hình elip kể từ sau đó. Nhưng thời gian tồn tại của OGO-1 không còn nhiều. Các quan sát mới cho thấy lực hấp dẫn của Trái Đất đang tác động lên vệ tinh nặng 487 kg. Theo dự kiến, nó sẽ bốc cháy khi rơi qua khí quyển Trái Đất vào cuối tuần này.
"OGO-1 sẽ hồi quyển từ một trong ba cận điểm, điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của tàu vũ trụ. NASA ước tính OGO-1 sẽ rơi trở lại Trái Đất vào 4h10 sáng ngày 30/8 theo giờ Hà Nội phía trên vùng biển Nam Thái Bình Dương, giữa Tahiti và quần đảo Cook. Tàu vũ trụ sẽ vỡ vụn trong khí quyển và không gây nguy hiểm cho con người. Đây là hoạt động cuối cùng thường gặp ở tàu vũ trụ ngừng hoạt động.
Những quan sát mới đến từ dự án khảo sát Catalina Sky Survey (CSS) của Đại học Arizona và hệ thống Asteroid Terrestrial-impact Last Alert System (ATLAS) của Đại học Hawaii. Cả hai hệ thống đều phát hiện một vật thể nhỏ lao về phía Trái Đất. Phân tích của các nhà nghiên cứu tại CSS, Trung tâm vật thể gần Trái Đất (NEO) của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực do NASA quản lý và Trung tâm điều phối NEO của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cho thấy vật thể này không phải tiểu hành tinh mà là tàu OGO-1.
OGO-1 là tàu vũ trụ đầu tiên trong chương trình OGO bao gồm 6 tàu vũ trụ, lần lượt phóng vào các năm 1964, 1965, 1966, 1967, 1968 và 1969. 5 tàu còn lại đều đã rơi trở lại Trái Đất, lần gần đây nhất vào năm 2011 trên nhiều vùng biển khác nhau.
VietBF@sưu tập