08/27/20
Trong cuộc họp hôm qua, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã công bố động thái thay đổi chính sách lớn, cho biết họ sẵn sàng cho phép lạm phát tăng mạnh hơn bình thường, để tài trợ thị trường lao động và nền kinh tế.
Trong động thái Chủ tịch Jerome Powell gọi là "sự cập nhật lớn" đối với chính sách của Fed, NHTW đã chính thức đạt được sự đồng thuận về "mục tiêu mức lạm phát trung bình". Điều này có nghĩa là cơ quan này sẽ cho phép lạm phát dao động ở mức "vừa phải" trên mục tiêu 2% sau khoảng thời gian mục tiêu ở dưới con số trên.
Những thay đổi này đã được hệ thống hóa trong một kế hoạch chi tiết về chính sách có tên "Statement on Longer-Run Goals and Monetary Policy Strategy" (Tuyên bố về mục tiêu dài hạn và chiến lược chính sách tiền tệ) – vốn được thông qua lần đầu tiên vào năm 2012. Kế hoạch này đã là lời thông báo về cách tiếp cận của Fed đối với lãi suất về tăng trưởng kinh tế nói chung.
Trên thực tế, động thái này mang ý nghĩa rằng Fed sẽ có xu hướng ít tăng lãi suất khi tỷ lệ thất nghiệp giảm, miễn là lạm phát không vượt quá mục tiêu. Từ trước đến nay, giới chức của NHTW cho rằng tỷ lệ thất nghiệp thấp khiến lạm phát tăng cao hơn là điều cực kỳ nguy hiểm và họ đã chủ động đổi hướng tiếp cận.
Tuy nhiên, một bài phát biểu mà ông Powell đưa ra tại cuộc họp từ xa trong hội nghị chuyên đề Jackson Hole thường niên của Fed và trong các tài liệu đi kèm đã cho thấy dấu hiệu NHTW thay đổi cách tiếp cận truyền thống. Ông cho biết tại sự kiện: "Nhiều người cho rằng Fed muốn đẩy lạm phát lên cao là không trực quan. Nhưng lạm phát liên tục ở mức quá thấp có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế."
Tại cuộc họp ngày hôm nay, ông Powell đã lưu ý rằng mức lãi suất đã được giảm đáng kể trong những năm qua và có khả năng sẽ giữ vững ở mức đó. Ông so sánh tình hình hiện tại với những gì Fed phải đối mặt cách đây 40 năm, khi cựu chủ tịch Paul Volvker đưa ra một loạt những đợt tăng lãi suất nhằm giảm lạm phát và gây tranh cãi. Trong những năm qua, khi các yếu tố cơ bản thay đổi nền kinh tế - chẳng hạn như nhân khẩu học và công nghệ, trọng tâm của Fed đã chuyển sang việc lạm phát đang ở mức quá thấp.
Ông cho hay, tình huống này "có thể khiến kỳ vọng về lạm phát dài hạn sụt giảm không mong muốn, do đó, có thể kéo mức lạm phát thực xuống thấp hơn nữa, dẫn đến một chu kỳ tiêu cực khi lạm phát và kỳ vọng lạm phát xuống ngưỡng thấp chưa từng có." Bởi vậy, các nhà hoạch định chính sách không còn nhiều dư địa để hạ lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính kết thúc, Fed đã gặp nhiều trắc trở để đạt mục tiêu lạm phát 2%. Giới chức kỳ vọng rằng cách tiếp cận mới này sẽ thay đổi tình hình, nâng kỳ vọng và cho phép lạm phát tăng cao hơn.
Ngoài sự thay đổi về mục tiêu lạm phát, Fed cũng công bố sẽ điều chỉnh từ ngữ về chính sách về tiếp cận việc làm. Bước đi mới sẽ được thông báo bởi "những đánh giá của Fed về tình trạng thiếu việc làm từ mức tối đa". Trong khi đó trước đây là "sự chênh lệch" từ mức tối đa.
Dù sự thay đổi này dường như là một động thái được cho là phức tạp về từ ngữ, nhưng ông Powell cho biết điều này rất quan trọng. Ông phát biểu: "Sự thay đổi này phản ánh việc chúng tôi đánh giá về những lợi ích của thị trường lao động, đặc biệt là đối với nhiều người trong các cộng đồng có thu nhập thấp và trung bình. Ngoài ra, nó cũng cho thấy quan điểm của chúng tôi về một thị trường lao động mạnh mẽ có thể được duy trì mà không gây lạm phát."
Ngoài ra, Fed cũng bày tỏ mối lo ngại về tác động của Covid-19 với những người ít có khả năng gánh chịu những khó khăn nó gây ra, do đó việc thay đổi cách dùng từ thể hiện động thái nhằm giải quyết tình hình khi nền kinh tế hồi phục. Ông Powell cho biết Fed không đặt ra mục tiêu cụ thể cho tỷ lệ thất nghiệp mà cho phép các điều kiện tạo ra sự toàn dụng lao động. Fed cho rằng mức lạm phát 2% vẫn là mục tiêu phù hợp trong thời gian tới.
Luc Lam
Theo CNBC