Trung Quốc bắn hai tên lửa đạn đạo diệt hạm từ Thanh Hải và Chiết Giang ra Biển Đông sáng 26/8 để cảnh báo Mỹ, theo một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc.
Một tên lửa DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải ở tây bắc Trung Quốc trong khi tên lửa DF-21D được phóng từ tỉnh Chiết Giang ở miền đông đất nước. Nguồn tin giấu tên hôm nay nói với SCMP rằng cả hai tên lửa đều rơi xuống khu vực giữa tỉnh Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Xe chở tên lửa DF-26 trong cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh năm 2015. Ảnh: Reuters.
Động thái này diễn ra sau khi Trung Quốc hôm 25/8 nói rằng trinh sát cơ U-2 của Mỹ có "hành động khiêu khích" khi di chuyển vào "vùng cấm bay nơi, nơi đang diễn ra một cuộc diễn tập bắn đạn thật của Chiến khu phía Bắc thuộc quân đội Trung Quốc". Trước đó, cơ quan an toàn hàng hải của Trung Quốc thông báo quân đội nước này tổ chức nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật tại khu vực Bột Hải và Hoàng Hải ngoài khơi bờ biển phía bắc nước này ngày 25-29/8.
DF-21D và DF-26 được coi là hai mẫu tên lửa đạn đạo có thể đe dọa tàu sân bay Mỹ, khiến chúng được gọi là "sát thủ tàu sân bay". DF-21D có tầm bắn 1.450 km, tốc độ trên 12.000 km/h, trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân có sức công phá tương đương 300.000 tấn thuốc nổ TNT. Trong khi đó, biến thể DF-26 có tầm bắn 4.100 km, trang bị phương tiện lướt siêu vượt âm (HGV) với quỹ đạo thấp và có khả năng chuyển hướng khi bay đến mục tiêu, khiến đối phương khó đánh chặn.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về vụ phóng tên lửa. Nguồn tin cho biết "đây là phản ứng của Trung Quốc đối với những rủi ro tiềm tàng từ các máy bay chiến đấu và tàu quân sự Mỹ ngày càng thường xuyên đến Biển Đông". "Trung Quốc không muốn các nước láng giềng hiểu sai mục tiêu của Bắc Kinh", ông này nói.
Song Zhongping, nhà bình luận quân sự tại Hong Kong, nói rằng vụ phóng tên lửa rõ ràng nhằm gửi tín hiệu đến Mỹ. Trung Quốc "phô diễn sức mạnh quân sự để cho Washington thấy rằng ngay cả tàu sân bay Mỹ cũng không thể thể hiện hết uy lực gần bờ biển Trung Quốc", Song nói.
Mỹ hồi đầu tháng 7 công bố lập trường về vấn đề Biển Đông, bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Washington cáo buộc "Bắc Kinh dùng biện pháp bắt nạt để xâm phạm quyền chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông, thay thế luật quốc tế bằng tư duy 'chân lý thuộc về kẻ mạnh'". Mỹ hôm nay trừng phạt 24 công ty Trung Quốc và một số cá nhân liên quan đến việc xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Quân đội Trung Quốc gần đây tổ chức nhiều cuộc diễn tập và tập trận tại các vùng biển xung quanh nước này. Truyền thông Trung Quốc hôm 20/8 đưa tin hai khu trục hạm và một hộ vệ hạm nước này diễn tập bắn đạn thật tại biển Hoa Đông. Cục Hải sự tỉnh Hải Nam tuần trước thông báo quân đội Trung Quốc tổ chức diễn tập trái phép ngày 24-29/8 tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đông nam đảo Hải Nam.
Quân đội Mỹ cũng đẩy mạnh hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những tháng qua. Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tổ chức hai cuộc diễn tập trên Biển Đông hồi tháng 7. Khu trục hạm USS Mustin của Mỹ và JS Suzutsuki của Nhật Bản huấn luyện chung tại biển Hoa Đông hồi tuần trước. Chiến hạm Mỹ sau đó đi qua eo biển Đài Loan để tới hội quân với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan đang hoạt động gần quần đảo Đông Sa.
Hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group ở Mỹ nhận định nguy cơ xảy ra sự cố giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông dẫn đến leo thang xung đột đang gia tăng, trong khi khả năng hạ nhiệt ngày càng khó khăn do quan hệ hai nước xấu đi. "Nếu lãnh đạo hai nước không có kênh liên lạc hiệu quả về Biển Đông, tình hình rất dễ leo thang vượt tầm kiểm soát", Zheng Yongnian, giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói.