Các doanh nghiệp Hong Kong đứng giữa "làn đạn", có thể phạm luật an ninh Trung Quốc nếu thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ với trưởng đặc khu Carrie Lam cùng 10 quan chức cấp cao.
Bộ Tài chính Mỹ ngày 7/8 thông báo áp lệnh trừng phạt nhằm vào 11 cá nhân "làm suy yếu tính tự trị và cấm quyền tự do bày tỏ ý kiến hoặc hội họp của người dân Hong Kong", trong đó có cả Trưởng đặc khu Carrie Lam.
Theo lệnh trừng phạt, toàn bộ tài sản và lợi ích liên quan tại Mỹ của các quan chức có tên trong danh sách hoặc tổ chức do họ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 50% trở lên, sẽ bị phong tỏa và phải được báo cáo cho Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ. Các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ cũng bị cấm giao dịch với những người trong danh sách hoặc tổ chức do họ sở hữu.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam trong một buổi họp báo, tháng 12/2019. Ảnh: AFP.
Một số chuyên gia cảnh báo các công ty tài chính Hong Kong có thể đứng giữa làn đạn Mỹ - Trung, vi phạm luật an ninh đặc khu nếu thực thi lệnh cấm vận hoặc tuân thủ luật an ninh và chịu sự trừng phạt tại Mỹ. Hiện chưa rõ tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ có vi phạm điều khoản này hay không.
"Câu trả lời ngắn gọn là có, do Điều 29(4) trong luật an ninh quy định tội danh thực hiện lệnh cấm vận của nước ngoài nhằm vào Hong Kong hoặc Trung Quốc đại lục", Mini van de Pol, trưởng nhóm điều tra tại châu Á - Thái Bình Dương của công ty luật Baker McKenzie có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Chuyên gia Mỹ cho rằng điều luật này có nhiều cách diễn giải và sẽ có nhiều ảnh hưởng tới các doanh nghiệp tại Hong Kong. "Tới nay chúng ta chưa chứng kiến Điều 29(4) được thực thi, cũng như chưa có hướng dẫn chính xác về nó", de Pol nói thêm.
Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (HKMA) cho biết lệnh cấm vận của Mỹ không có giá trị pháp lý tại đặc khu. Các ngân hàng Hong Kong không có nghĩa vụ tuân thủ lệnh trừng phạt này, khác với những biện pháp cấm vận của Liên Hợp Quốc. HKMA không bình luận về khả năng cấm các ngân hàng thực thi lệnh cấm vận của Washington.
Khu trung tâm tài chính của Hong Kong hồi tháng 7/2019. Ảnh: Reuters.
Albert Chen và Simon Young, hai giáo sư ngành luật ở Đại học Hong Kong, cho rằng những công ty tài chính ở đặc khu sẽ không phạm luật an ninh "khi tham gia quá trình áp dụng lệnh cấm vận" nhưng sẽ phải chịu trách nhiệm trong một số trường hợp cụ thể.
Những công ty chịu tác động lớn nhất sẽ là các ngân hàng và hãng quản lý tài sản của Mỹ. "Nhiều khả năng chi nhánh Hong Kong sẽ phải tuân theo chỉ đạo từ tổng hành dinh tại Mỹ", Josephine Chung, giám đốc công ty tư vấn CompliancePlus Consulting, nhận xét.
Các doanh nghiệp không phải của Mỹ có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ ngân hàng, tài chính cho những người bị cấm vận, nhưng họ sẽ không được hoạt động trong hệ thống tài chính Mỹ hay giao dịch với cá nhân, tổ chức nước này.
Lệnh trừng phạt của Mỹ được ban hành trên cơ sở "Sắc lệnh về Bình thường hóa Hong Kong", được Trump ký ngày 14/7 và bổ sung vào Đạo luật Tự trị Hong Kong, trong đó quy định quá trình định danh và cấm vận những công ty tài chính quốc tế cố tình "thực hiện các giao dịch đáng kể" với những người liên quan đến tình trạng hiện tại ở đặc khu.
Những cá nhân trong danh sách này chưa được công bố. Mỹ cũng chưa làm rõ những tiêu chuẩn để giao dịch được coi là "đáng kể". Điều đó khiến các công ty tài chính nước ngoài ở Hong Kong luôn trong trạng thái sẵn sàng đón nhận đòn trừng phạt từ Washington.
VietBF@sưu tập