Sau khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh gia hạn gói cứu trợ kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19 ngày 8/8, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chỉ trích và gọi sắc lệnh này là "vi hiến một cách ngớ ngẩn".
"Thực tế là câu hỏi liệu chúng có hợp pháp hay không thì vẫn cần thời gian tìm hiểu. Tôi đồng tình với Thượng nghị sĩ (Ben) Sasse, người nói rằng chúng là 'sai lầm vi hiến'", Pelosi cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 9/8 khi được hỏi liệu bà có kiện để ngăn chặn các sắc lệnh do Tổng thống Donald Trump ký không. "Như lời các cố vấn hiến pháp chia sẻ với tôi, chúng vi hiến một cách ngớ ngẩn".
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington hồi giữa tháng 7. Ảnh: AP.
Tổng thống Trump hôm qua vượt mặt quốc hội và khẳng định quyền hành pháp của mình bằng việc ký 4 sắc lệnh về cứu trợ Covid-19 sau khi phe Dân chủ và Cộng hòa không thể đạt được đồng thuận về gói kích thích kinh tế mới. Đảng Dân chủ đề xuất gói kích thích 3.000 tỷ USD, nhưng đảng Cộng hòa đề xuất 1.000 tỷ USD. Đảng Cộng hòa cho rằng các khoản cứu trợ cao hơn không khuyến khích những người Mỹ thất nghiệp cố gắng trở lại làm việc.
Một trong các sắc lệnh then chốt sẽ cấp thêm 400 USD/tuần cho khoản trợ cấp thất nghiệp của người Mỹ, ít hơn so với mức 600 USD/tuần được thông qua trước đó.
Một sắc lệnh khác của Trump liên quan đến việc tạm dừng thu thuế tiền lương, khoản tiền được dùng để chi trả cho an sinh xã hội và các chương trình liên bang khác. Trump từng nhiều lần nêu ra đề xuất này nhưng bị nghị sĩ cả hai đảng bác bỏ. Ông nói rằng việc đình chỉ thu thuế sẽ chỉ áp dụng cho những người có thu nhập dưới 100.000 USD/năm.
Ngoài ra, các sắc lệnh của Trump cũng ngăn chặn khả năng người thuê nhà bị đuổi khỏi những căn nhà cho thuê được trợ cấp tài chính liên bang và gia hạn lãi suất 0% với các khoản vay dành cho sinh viên do liên bang trợ cấp.
Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra về tính hiệu quả của các sắc lệnh mà Trump vừa ký và liệu các bang có sẵn nguồn tài chính cho những phúc lợi mà ông đề xuất hay không.
Vì quốc hội không cho phép cho gia hạn thêm khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang nên các bang sẽ phải thiết lập một hệ thống hoàn toàn mới để cung cấp khoản viện trợ bổ sung và việc này có thể mất hàng tháng.
Sắc lệnh mà Tổng thống Trump ký không phải một quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp nên sẽ không thông qua chương trình bảo hiểm thất nghiệp đã được thiết lập ở các bang.
Phe Dân chủ được cho là sẽ thách thức các sắc lệnh hành pháp của Trump tại tòa án.
Với tỷ lệ thất nghiệp hai con số, các doanh nghiệp bị gián đoạn hoạt động do quy định giãn cách xã hội và tình hình Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nhiều người Mỹ hiện phải sống dựa vào các biện pháp cứu trợ, nhưng đa số chúng đã hết hạn vào tháng 7. Trump nói việc ông không chờ quốc hội mà ký sắc lệnh hành pháp đồng nghĩa tiền cứu trợ sẽ được "phân phối nhanh chóng".
VietBF@sưu tập