Nhóm chuyên của tổ chức Di sản Anh phát hiện 15 khối đá cự thạch khổng lồ của tượng đài Stonehenge được lấy từ khu rừng gần đó.
Bãi đá Stonehenge được xây từ những khối đá đồ sộ. Ảnh: CNN.
Hôm 29/7, các nhà nghiên cứu thông báo phát hiện những khối đá sa thạch dùng để xây tượng đài Stonehenge tại Salisbury có nguồn gốc từ West Woods, vùng rừng ở cách đó 24 km, gần thị trấn Marlborough. Tượng đài hình tròn do người dân thời Đồ đá mới xây dựng chủ yếu gồm hai loại đá. Những phiến đá nhỏ hơn gọi là đá xanh đến từ vùng đồi Preseli ở tây nam xứ Wales. Loại lớn hơn dựng thẳng đứng là những khối cự thạch cấu tạo từ đá sa thạch, nặng 30 tấn và cao 7 m, tạo thành 15 trụ lớn của Stonehenge.
Trong thời gian dài, các chuyên gia nghi ngờ đá cự thạch được lấy từ Marlborough Downs, cụm đồi ở phía bắc tượng đài, nhưng không thể chứng minh. Tình hình thay đổi vào năm ngoái khi một mẩu đá được trả lại. Một công nhân khai quật đã lấy đi lõi của khối cự thạch vào năm 1958 và giữ nó trong thời gian dài. Người đàn ông được yêu cầu trả lại mẩu đá vào sinh nhật lần thứ 90. Khi tiếp nhận lõi đá vào năm ngoái, những chuyên gia có thể xâu chuỗi bằng chứng.
Nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm tra không xâm lấn các khối đá sa thạch và phần lõi bị mất. Họ phát hiện chúng có cùng đặc điểm hóa học và đến từ cùng khu vực. Sau đó, họ phân tích mẫu vật đá sa thạch trên khắp nước Anh, từ Norfolk tới Devon, để so sánh thành phần hóa học với mẫu đá ở Stonehenge. Nơi có độ trùng khớp cao nhất là vùng rừng West Woods, Stonehenge 40 phút lái xe.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ tại sao những người xây dựng Stonehenge lại lấy đá sa thạch từ West Woods trong khi nhiều khu vực khác gần đó cũng có loại đá này. Họ đặt giả thuyết nguyên nhân có thể nằm ở kích thước đồ sộ của đá ở West Wood.