Nếu yên ổn trong suốt hành trình kéo dài 7 tháng và hạ cánh an toàn, Tianwen-1 dự kiến sẽ khám phá "hành tinh Đỏ" trong hơn ba tháng.
Trung Quốc đã phóng thành công tàu thăm dò độc lập đầu tiên tới Sao Hỏa vào lúc 12h41 chiều ngày hôm qua (23/7) theo giờ địa phương tại Trung tâm Phóng tàu vũ trụ Văn Xương, Hải Nam, Trung Quốc. Đây được xem là một cột mốc quan trọng trong sứ mệnh của Bắc Kinh nhằm xây dựng một chương trình không gian tầm cỡ thế giới.
Tàu thăm dò có tên Thiên Vấn-1, đã được đưa thành công lên quỹ đạo dự định bằng tên lửa đẩy Long March-5 (Trường Chinh-5), mang theo một tàu đổ bộ và một robot tự hành với tổng trọng lượng khoảng 5 tấn để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sao Hỏa.
Theo dự kiến, con tàu sẽ hành trình trong không gian trong gần 7 tháng, trên quỹ đạo chuyển tiếp Trái Đất – Sao Hỏa, trước khi tiếp cận trường hấp dẫn của sao Hỏa vào tháng 2/2021. Mục tiêu của nó là hoàn thành quỹ đạo, hạ cánh và di chuyển trên bề mặt hành tinh Đỏ chỉ trong một lần thực hiện nhiệm vụ.
Cảnh phóng tên lửa Long
Nhiệm vụ khám phá sao Hỏa đầu tiên của Trung Quốc có tên Tianwen-1 (Thiên Vấn-1), nghĩa là "Hỏi trời cao", xuất phát từ một bài thơ của Khuất Nguyên, một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Trung Quốc cổ đại. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho biết cái tên tượng trưng cho "sự theo đuổi chân lý và khoa học của dân tộc Trung Hoa", trong việc khám phá thiên nhiên và vũ trụ.
Theo Bao Weimin, một học giả của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, thì việc hạ cánh sẽ là phần khó khăn nhất của nhiệm vụ, liên quan đến một quá trình bốn bước, kéo dài trong khoảng bảy đến tám phút. Tất cả các tàu thăm dò sao Hỏa đều sẽ phải thực hiện việc đáp lên bề mặt hành tinh này một cách hoàn toàn tự động, không có sự can thiệp từ xa của con người.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của nhiệm vụ này, Liu Tongjie, lưu ý rằng có những điều không chắc chắn ở phía trước, mặc dù buổi phóng đầu tiên thành công.
"Nếu tàu thăm dò không thể bị giữ lại bởi trường hấp dẫn của sao Hỏa trong thử nghiệm đầu tiên, quỹ đạo của nhiệm vụ sẽ phải được điều chỉnh. Đây là một vấn đề rất quan trọng và rất khó khăn, nhưng nó phải được thực hiện trong một lần", ông nói thêm. "Quá trình nhập cảnh, hạ xuống và tiếp đất trên Sao Hỏa đầy bất trắc. Tàu thăm dò sẽ phải xác định địa hình và chướng ngại vật, sau đó tự mình hạ cánh".
Robot tự hành cũng sẽ phải thay đổi chế độ làm việc nếu có bão bụi để ngăn các tấm pin mặt trời bị phủ bụi, bởi điều này có thể ngăn không cho nó không thể sạc pin lại, ông chia sẻ thêm.
Tàu vũ trụ có camera giám sát hạ cánh được phát triển bởi Đại học Bách khoa Hồng Kông. Yung Kai-leung, giáo sư về lĩnh vực kỹ thuật chính xác, người đứng đầu nhóm phát triển thiết bị, cho biết nó có thể chụp ảnh góc cực rộng để nghiên cứu khoa học với độ méo quang học thấp. Nó cũng có thể chịu được sự chênh lệch nhiệt độ cực cao, khoảng 150 độ C. Thậm chí hoạt động được trên hành tinh đỏ, nơi có nhiệt độ trung bình -62,8 độ C. Đại diện trường đại học cho biết thiết bị này cũng có thể chịu đựng được tác động gấp 6.200 lần lực hấp dẫn của Trái đất.
"Đây là nhiệm vụ toàn diện nhất về mặt khoa học để điều tra hình thái, địa chất, khoáng vật học, môi trường không gian và phân bố đất và nước", theo các nhà khoa học Trung Quốc tham gia vào nhiệm vụ.
9 năm trước, Trung Quốc đã hợp tác với Nga để gửi tàu vũ trụ Yinghuo-1 lên quỹ đạo xung quanh hành tinh đỏ. Tuy nhiên con tàu bị mắc kẹt trên quỹ đạo vì lỗi kỹ thuật và sau đó bị Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc tuyên bố đã mất.
Sao Hỏa là hành tinh thứ tư tính từ Mặt trời và là hành tinh nhỏ thứ hai trong hệ mặt trời, chỉ lớn hơn Sao Thủy. Đây là hành tinh gần Trái đất nhất. Sự gần gũi này từ lâu đã khiến nhiều người hi vọng rằng sẽ phát triển nơi đây thành một môi trường sống đáng sống trong tương lai, mặc dù tầm nhìn này gần như không thể thực hiện với công nghệ hiện tại.
Con người khám phá sao Hỏa đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Liên Xô là quốc gia đầu tiên thực hiện sứ mệnh sao Hỏa khi phóng tàu vũ trụ vào tháng 10/1960, nhưng nó bị phá hủy trong quá trình phóng.
Vào tháng 5/1971, tàu quỹ đạo Mars 2 đã trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên tiếp cận Sao Hỏa, mặc dù hệ thống hạ cánh sau đó thất bại và tàu đổ bộ bị mất. Hơn một tuần sau, Liên Xô đã gửi một tàu đổ bộ lên Sao Hỏa, trở thành cuộc đổ bộ thành công đầu tiên trên hành tinh này, mặc dù tàu đổ bộ chỉ hoạt động trong 14,5 giây.
Mỹ đã có chuyến bay thành công đầu tiên trên sao Hỏa vào tháng 11/1964 và thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trong thập niên 1970. Ra mắt vào năm 2001, Mars Odyssey của Nasa hiện giữ kỷ lục về thời gian dài nhất trên quỹ đạo của một hành tinh không phải là Trái đất.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất mới đây cũng đã phóng tàu thăm dò sao Hỏa của riêng mình vào ngày 19/7 và tàu vũ trụ này đang trên đường đến hành tinh đỏ.
VietBF @ Sưu tầm