Bộ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ khẳng định cuộc tuần tra nằm trong khuôn khổ chiến dịch “ủng hộ vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, khi lần thứ hai liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng, hai nhóm tầu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và USS Nimitz trở lại tuần tra chung ở Biển Đông ngày 17/07/2020.
Hai tàu sân bay Mỹ USS Nimitz (P) và USS Ronald Reagan cùng các tàu hộ tống triển khai đội hình luyện tập tại vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ảnh do Hải Quân Mỹ công bố ngày 07/07/2020 AFP - KEENAN DANIELS
Hai đội tầu sân bay Mỹ có lực lượng hùng hậu gồm hơn 12.000 quân nhân và nhân viên, chở 120 máy bay thực hiện các bài tập phòng không chiến lược “để duy trì khả năng chuẩn bị và năng lực chiến đấu”, theo thông cáo của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ.
Chuẩn đô đốc Jim Kirk, chỉ huy nhóm tầu sân bay Nimitz, khẳng định trong một thông cáo rằng hoạt động của hai nhóm tầu Nimitz và Reagan tại những khu vực ở Biển Đông nơi luật pháp quốc tế cho phép “nhằm tăng cường cam kết của Hoa Kỳ về một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, dựa trên trật tự quốc tế được hình thành theo luật pháp, cũng như đối với các đồng minh và đối tác trong vùng của Hoa Kỳ”.
Còn theo thông cáo của Hải Quân Mỹ, “sự hiện diện của hai tầu sân bay ở Biển Đông không nhằm đáp trả bất kỳ sự kiện chính trị đặc biệt nào và nằm trong khuôn khổ diễn tập thường xuyên để phát triển khả năng tác chiến”.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể lo lắng về cường độ các cuộc tuần tra của Hải Quân Mỹ ở Biển Đông. Trang CNN nhắc lại hai nhóm tầu sân bay Ronald Reagan và USS Nimitz từng tuần tra chung ở Biển Đông vào đầu tháng 07/2020. Đây là cuộc tuần tra chung đầu tiên của hai tầu sân bay Mỹ kể từ năm 2014 và là lần thứ hai từ năm 2001.
Phản ứng về sự kiện này, Hoàn Cầu Thời Báo gọi hai tầu sân bay Mỹ là “chẳng khác gì những con hổ giấy bên ngoài cửa ngõ Trung Quốc” mà Bắc Kinh hoàn toàn có thể dùng hỏa lực để bảo vệ đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.