Những ngày bình yên cuối của châu Á dưới cái bóng Trung Quốc. Giai đoạn hòa bình và ổn định hậu Chiến tranh lạnh ở châu Á có thể sắp kết thúc, do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhiều dấu hiệu bất ổn đã xuất hiện, theo nhà phân tích Allen Carlson.
Luật an ninh Hong Kong được xem là một trong những yếu tố gây mất ổn định ở châu Á trong thời gian tới - Ảnh: AFP
Nhận định trên tờ South China Morning Post, nhà phân tích Allen Carlson mô tả châu Á ngày hôm nay đang cheo leo bên vực thẳm, không chỉ vì mối nguy hiện hữu từ đại dịch COVID-19 mà còn do chuyển biến xấu trong chính sách đối ngoại - quân sự của gã khổng lồ Trung Quốc.
Cách đây vài năm, những dự báo bất ổn từng xuất hiện khi Biển Đông và Hoa Đông dậy sóng, nhưng sau đó trôi qua. Khác với thời điểm đó, hiện tại có 3 diễn biến mới khiến nguy cơ lớn hơn rất nhiều.
Thứ nhất, vài tuần gần đây Trung Quốc và Ấn Độ leo thang xung đột biên giới, dẫn đến thương vong lớn chưa từng thấy trong nhiều năm. Nó tương phản với chủ trương kiềm chế mà hai nước đã xác lập từ những năm 1990.
Ở góc nhìn bao quát, trận giao tranh trên dãy Himalaya đánh dấu thời khắc chuyển đổi không chỉ trong quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn với cả phần còn lại của châu Á - chấm dứt chuỗi ngày Trung Quốc kiềm chế trong sử dụng sức mạnh vũ trang.
Thứ hai, Bắc Kinh tiếp tục khuấy động Biển Đông, lần này đi kèm với một sức mạnh lớn hơn. Khoảng thời gian yên ổn vài năm qua đã giúp nước này nâng cấp năng lực hải quân và hoàn thành cải tạo, quân sự hóa chuỗi đảo nhân tạo, lập nên cứ địa vững chắc trên Biển Đông.
Cách đây không lâu Trung Quốc còn hạn chế phô trương sức mạnh, nhưng vài tuần qua, khi cả thế giới chìm vào hỗn loạn vì dịch COVID-19, nước này bỗng thể hiện thái độ hung hãn với các nước phản đối yêu sách vô lý của họ, bao gồm Mỹ, Việt Nam, Philippines...
Mặc dù chưa đến mức như với Ấn Độ nhưng có thể cảm nhận căng thẳng đang gia tăng ở khu vực Đông Nam Á.
Thứ ba, nhiều chuyên gia kết luận Luật an ninh Hong Kong do Trung Quốc mới thông qua đã đè bẹp Bộ luật cơ bản (được xem là hiến pháp của Hong Kong) vốn tồn tại kể từ ngày vùng lãnh thổ được trao trả về đại lục năm 1997.
Từ đó có thể thấy ông Tập Cận Bình đã chứng tỏ sẽ làm rắn hết mức nếu đánh giá đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Trung Quốc.
Dùng cách này để áp chế sự phản kháng ở Hong Kong nói lên nhiều thứ về cách tiếp cận mới của dàn lãnh đạo Trung Quốc với phần còn lại của châu Á, đặc biệt là Đài Loan. Thái độ này chỉ càng làm nguy cơ xung đột ở eo biển Đài Loan tăng cao trong những năm tới.
Tất cả xu hướng trên khiến mối lo chiến tranh ở châu Á không còn là chuyện xa vời. Quá trình phân rã hiện trạng cũ đang xảy ra, dù chưa hoàn tất. Câu hỏi là những va chạm mới có dẫn đến đạn nổ giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông.
Tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu Bắc Kinh thổi lửa luôn tranh chấp với Nhật trên biển Hoa Đông, dù trước mắt đây chỉ mới là nguy cơ.
"Ngày mai mặt trời vẫn mọc ở châu Á, nhưng nếu trời có sụp trong vài ngày tới thì cũng không có gì ngạc nhiên. Các dấu hiệu cảnh báo đang ở khắp nơi" - ông Allen Carlson viết trong cuối bài phân tích.