Trung Quốc hôm nay 4/7 nâng mức ứng phó khẩn cấp để kiểm soát lũ từ mức IV lên mức III, xuất phát từ tình hình phòng chống lũ ở lưu vực sông Trường Giang.
Ủy ban nguồn nước Trường Giang đưa ra thông báo trên theo sau thông tin công việc kiểm soát lũ, cứu hộ khẩn cấp và giảm nhẹ thiên tai đang ở trong giai đoạn mang tính quyết định khi Trung Quốc vừa bước vào mùa lũ chính, theo mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN). Hệ thống ứng phó khẩn cấp để kiểm soát lũ của Trung Quốc có 4 mức, trong đó mức IV là mức thấp nhất.
Hôm 3.7, CGTN đưa tin sông Dương Tử, con sông dài nhất của Trung Quốc, đã hứng đỉnh lũ đầu tiên trong năm nay vào ngày 2.7. Theo đó, đập Tam Hiệp, được xây dựng trên sông Dương Tử đoạn chảy qua thị trấn Tam Đẩu Bình thuộc tỉnh Hồ Bắc, cũng đã hứng dòng nước lũ đạt đỉnh với lưu lượng lên tới 53.000 m3/giây vào lúc 14 giờ ngày 2.7 (giờ địa phương).
Do đó, đập Tam Hiệp đã mở 3 cổng xả lũ để giảm tác động của lũ đối với các vùng hạ lưu sông Dương Tử, theo CGTN ngày 3.7. Sáng 29.6, giới chức Trung Quốc cho đập Tam Hiệp mở 2 cổng xả nước, đánh dấu đợt xả lũ đầu tiên của đập này trong năm. Đợt xả lũ hiện nay nhằm giảm mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp từ 147,51 m xuống mức an toàn 145 m.
Hôm 21.6, mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp chạm tới 147 m, cao hơn mức cảnh báo lũ tới 2 m, dẫn tới tin đồn đập này đang biến dạng và người dân nên sơ tán. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Quách Tấn thuộc Viện Nghiên cứu địa chấn Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp, đập lớn nhất trên thế giới, có thể chứa lượng nước vào lớn hơn nhiều so với lượng nước hiện nay.
VietBF @ Sưu Tầm