Phản ứng của Úc sau vụ Trung Quốc xử tử hình công dân nước này thế nào? Mới đây Canberra lên án việc Bắc Kinh sử dụng hình phạt tử hình với công dân Úc và nói sẽ tiếp tục hỗ trợ lãnh sự và người đại diện cho công dân bị Trung Quốc kết án. Mặt khác bạn bè của công dân Úc nhất mực đòi kháng cáo.
Karm Gilespie là công dân Úc bị Trung Quốc xử tử hình hôm 10/6. Ảnh: Facebook Jill Parris
Tờ Bloomberg hôm 14/6 đưa tin, công dân Úc bị Trung Quốc xử tử hình được xác định là Karm Gilespie. Theo AAP, Gilespie bị Tòa án nhân dân Quảng Châu tuyên án tử hình hôm 10/6 nhưng 13/6 mới có thông báo chính thức.
Công dân Úc bị bắt hồi cuối năm 2013 tại sân bay khi đang làm thủ tục lên một chuyến bay quốc tế tại sân bay Bạch Vân, thuộc thành phố Quảng Châu, Trung Quốc. Lực lượng kiểm soát ở sân bay phát hiện 7,5 kg ma túy đá trong hành lý ký gửi của Gilespie.
Úc lên án việc Trung Quốc sử dụng hình phạt tử hình với Gilespie và sẽ tiếp tục hỗ trợ lãnh sự và người đại diện cho công dân Úc này, ông Simon Birmingham, Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Úc, trả lời phỏng vấn của Sky News hôm 14/6.
Khi được hỏi liệu việc Trung Quốc xử tử hình công dân Úc có phải là hình thức "trả đũa" cho căng thẳng song phương thời gian gần đây hay không, ông Birmingham nói: "Chúng ta không cần thiết phải nâng cao quan điểm lên như thế".
Trung Quốc đã áp dụng rộng rãi án tử hình và thi hành nhiều bản án trong thập kỷ qua với các công dân tới từ Philippines, Nhật Bản và một số nước khác, theo Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Úc.
Ông Birmingham nhấn mạnh mong muốn tới thăm Trung Quốc để đàm phán khi thích hợp và nói Úc tiếp tục phản đối ở cấp độ ngoại giao về một loạt vấn đề.
"Các cuộc đàm phán giữa lãnh đạo cũng như các bộ trưởng 2 nước cần được diễn ra và tôi hy vọng Trung Quốc cũng đồng ý với ý kiến của tôi. Cuộc gặp không nhất thiết phải dưới dạng một chuyến thăm, nó có thể được thiết lập trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay", ông Birmingham phát biểu.
Trong khi đó, bạn bè của Gilespie đang tổ chức kháng cáo bản án của tòa án Trung Quốc. Theo luật Trung Quốc, Gilespie có 10 ngày để kháng cáo. Một số người bạn nói rằng họ thậm chí không biết Gilespie bị giam giữ gần 7 năm qua tại một nhà tù Trung Quốc, theo ABC.
Luật sư của Gilespie không thể tiếp cận với thân chủ và nhiều luật sư khác trước đó được cho là liên quan tới việc bảo vệ Gilespie chia sẻ với ABC rằng họ hoàn toàn không nắm được thông tin về trường hợp của công dân Úc này.
Gilespie từng là diễn viên nhưng sau đó chuyển sang làm cố vấn kinh tế. Người đàn ông này sinh ra ở thành phố Melbourne nhưng sống tại Sydney và khá nổi tiếng trên mạng xã hội trước khi bị bắt cuối năm 2013.
Jill Parris, một người bạn Gilespie thường trao đổi qua Facebook, cho biết rất "đau đớn" khi biết về chuyện xảy ra với người bạn của cô.
"Anh ấy đột nhiên 'biến mất'. Ngừng giao tiếp với người khác không phải điều anh ấy thường làm", Jill viết trên Facebook cá nhân và mô tả Gilespie là một "diễn viên, doanh nhân, người cha trung thực".
Bạn bè mô tả Gilespie (áo đỏ, giữa ảnh) là người sống vì người khác. Ảnh: Facebook Karm Gilespie
Những người bạn khác cũng bày tỏ sự ngạc nhiên của họ trên mạng xã hội, nói rằng họ đang cố tìm Gilespie sau khi ông đột ngột biến mất.
"Gilespie là một thành viên tích cực trong cộng đồng của chúng tôi. Anh ấy luôn khuyến khích người khác phát huy được sức mạnh của bản thân. Anh ấy sống vì người khác. Đó là lý do khiến nhiều người thắc mắc vì sao anh ấy đột ngột biến mất.
Chúng tôi đã dành vài năm để tìm hiểu vì sao Gilespie lại biến mất đột ngột. Sau đó, chúng tôi bỏ cuộc và cho rằng anh ấy biến mất vì muốn có một cuộc sống mới", Roger James Hamilton, một doanh nhân sống ở Indonesia, cho hay.
Gần đây, căng thẳng xuất hiện giữa Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Úc của Thủ tướng Scott Morrison. Ảnh: Tfi Post
Việc Trung Quốc xử tử hình công dân Úc xảy ra trong bối cảnh sự rạn nứt quan hệ giữa 2 nước có mối quan hệ đối tác thương mại mật thiết ngày càng gia tăng. Căng thẳng Trung Quốc - Úc thời gian gần đây bắt nguồn từ việc Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch Covid-19, xảy ra đầu tiên ở Trung Quốc.
Bắc Kinh đáp trả bằng nhiều lần lên án, cáo buộc Canberra "hùa theo" Mỹ. Các mức thuế mới nhằm vào lúa mạch Úc và việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà cung cấp lớn của Canberra làm dấy lên lo ngại Trung Quốc đang "trả đũa" Úc với một loạt biện pháp "trừng phạt kinh tế".
VietBF@ sưu tầm.