Nhà Trắng hóa pháo đài vì biểu tình. Với ngày càng nhiều hàng rào và vành đai an ninh mở rộng, Nhà Trắng, biểu tượng của nền dân chủ Mỹ, giờ đây bị ví như một pháo đài.
Sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu tại thành phố Minneapolis bị cảnh sát ghì đầu gối lên gáy, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát lan khắp toàn bộ 50 bang của Mỹ, trong đó có khu vực xung quanh Nhà Trắng.
Nhà Trắng hôm 29/5 bị phong tỏa trong khoảng thời gian ngắn theo lệnh của Cơ quan Mật vụ Mỹ. Cảnh sát phải sử dụng hơi cay giải tán đám đông khi họ xô đổ nhiều hàng rào an ninh. Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ cũng được triển khai để hỗ trợ cảnh sát. Nhiều kênh truyền thông còn đưa tin Tổng thống Donald Trump từng xuống hầm ngầm để đề phòng căng thẳng leo thang.
Cơ quan Mật vụ Mỹ hôm 5/6 cho biết họ sẽ đóng cửa các khu vực xung quanh Nhà Trắng tới ngày 10/6, nhưng không nêu rõ rằng liệu những hàng rào an ninh khi đó có được gỡ bỏ hay không. "Quyết định này nằm trong nỗ lực duy trì các biện pháp an ninh cần thiết xung quanh Nhà Trắng, đồng thời tạo điều kiện biểu tình ôn hòa", tuyên bố của cơ quan cho hay.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Judd Deere từ chối bình luận về các biện pháp an ninh sắp tới, trong khi một quan chức giấu tên tiết lộ chính quyền không có ý định duy trì vĩnh viễn những hàng rào mới lắp đặt quanh Nhà Trắng. Đội ngũ trợ lý của Trump cũng nhấn mạnh những thay đổi an ninh xung quanh Nhà Trắng không phải mệnh lệnh từ Tổng thống, mà được đưa ra theo định hướng của Cơ quan Mật vụ, dựa trên đánh giá của họ về tình hình.
Người biểu tình tập trung phía sau hàng rào lưới thép mới dựng lên trước Nhà Trắng hôm 4/6. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, bất chấp việc các cuộc biểu tình quanh Nhà Trắng những ngày gần đây chủ yếu là ôn hòa, Trump dường như vẫn ủng hộ tăng cường an ninh. Ông đe dọa triển khai quân đội ứng phó biểu tình, chỉ trích các thống đốc vì không sử dụng thêm nhiều lính Vệ binh Quốc gia tại bang của họ.
Hiện nay, vành đai an ninh mới đã bao gồm cả công viên Lafayette, phía bắc Nhà Trắng, nơi cư dân thủ đô và du khách thường tới đi dạo, cũng là nơi người biểu tình lên tiếng về những vấn đề họ bức xúc suốt hàng trăm năm qua. Hàng rào lưới thép mới cao khoảng 2,5 m được dựng lên dọc theo rìa phía bắc của công viên, giúp giữ khoảng cách giữa người biểu tình với Nhà Trắng xa hơn.
Hàng rào còn được mở rộng xuống Đường Số 17, dọc theo mặt phía tây của Nhà Trắng, đồng thời kéo dài một nửa con đường dọc theo Đại lộ Hiến pháp, ranh giới phía nam của công viên Ellipse. Tại nhiều địa điểm, hàng rào bê tông được thiết lập phía sau những lưới thép.
Loạt hàng rào bảo vệ này khiến Nhà Trắng thay đổi đáng kể so với những ngày đầu được xây dựng. Thomas Jefferson, tổng thống Mỹ đầu tiên sống 8 năm trong khu nhà, ban đầu chỉ dựng một hàng rào thấp bằng gỗ, sau đó là một bức tường đá, nhưng khu vực vẫn được mở cửa cho công chúng.
Đến năm 1833, bức tường đá bị phá hủy và một hàng rào sắt được lắp đặt dọc Đại lộ Pennsylvania, theo Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng. Cố tổng thống Mỹ Ulysses Grant sau đó tiếp tục mở rộng phạm vi lắp đặt hàng rào, cũng như diện tích khu nhà.
Suốt nhiều thế hệ, công chúng coi khuôn viên Nhà Trắng như một công viên mở. Cố tổng thống Mỹ Andrew Jackson thậm chí từng mời hàng nghìn người vào bên trong ngay sau khi nhậm chức. Các tổng thống tiếp theo đặt thêm nhiều giới hạn đối với khu nhà, nhưng nó được cho là vẫn khá dễ tiếp cận.
Nhà Trắng đóng cửa hoàn toàn với công chúng trong Thế chiến I và II. Hầm ngầm dùng để bảo vệ tổng thống và gia đình trong trường hợp kẻ thù tấn công được xây dựng dưới thời cố tổng thống Franklin Roosevelt. Thời điểm đó, binh sĩ cắm trại ngay trong khuôn viên Nhà Trắng, đội bắn tỉa cũng được bố trí trên mái. Tuy nhiên, Roosevelt không đồng ý triển khai xe tăng bên ngoài khu nhà, "bởi nó trông như thể nền dân chủ của chúng ta bị bao vây", nhà sử học Michael Beschloss cho hay.
Do đó, sự hiện diện dày đặc của lực lượng an ninh tại Washington khiến giới chức lo ngại hình ảnh về một xã hội đa dạng, cởi mở của Mỹ đang bị tổn hại. Bình luận viên Peter Baker của NY Times nhận xét Nhà Trắng, công trình tượng trưng cho nền dân chủ Mỹ được toàn cầu công nhận, ngày càng giống một pháo đài bị bao vây giữa lòng thủ đô.
"Nhà Trắng là tài sản của người dân. Người Mỹ sở hữu nó, trả tiền và cho phép các tổng thống sống trong đó. Các lưới thép và hàng rào cho thấy Trump đang phớt lờ tấm gương của những người tiền nhiệm. Thay vào đó, ông ấy trốn khỏi người dân Mỹ", Lindsay Chervinsky, nhà sử học tại Viện Nghiên cứu Thomas Paine thuộc Đại học Iona, nêu ý kiến.
Nhiều nhà phê bình so sánh những hàng rào bổ sung quanh Nhà Trắng với bức tường mà Trump đang thúc đẩy xây dựng dọc biên giới phía nam đất nước, dự án được cho là thể hiện mong muốn tách biệt với bên ngoài của Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, người ngoài không phải người dân từ các quốc gia khác, mà chính là người Mỹ.