Việc TQ không muốn mở cuộc điều tra nguồn gốc covid-19 là vì nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân chính ở đây là sợ bị mang tiếng là không đủ năng lực. Dưới đây là những thông tin cụ thể.Theo báo The Guardian của Anh, tính đến trưa 18-5, đã có hơn 120 quốc gia lên tiếng ủng hộ một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc và cách thức lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Đáp lại trong cuộc họp báo chiều 18-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng vẫn còn quá sớm tiến hành ngay lập tức một cuộc điều tra về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona chủng mới.
Cũng theo ông này, phần lớn các quốc gia đều tin rằng đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, ám chỉ việc các nước nên lo chống dịch trước tiên hơn là can dự vào việc khác.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bắc Kinh đã tiến hành nhiều cuộc điều tra cấp quốc gia về vấn đề này và phớt lờ các yêu cầu tham gia của WHO.
Tuyên bố được đưa ra chỉ vài tiếng trước giờ khai mạc cuộc họp của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA), nơi người ta tin rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ đệ trình một nghị quyết yêu cầu điều tra độc lập về COVID-19.
Trong bài phát biểu ghi hình trước được phát tại lễ khai mạc WHA sau đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh ủng hộ một cuộc đánh giá toàn diện về COVID-19 trên toàn cầu do WHO dẫn dắt nhưng chỉ khi COVID-19 được kiểm soát.Báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong cho biết Trung Quốc đang chịu áp lực lớn từ Mỹ, Úc và một số nước châu Âu phải tiến hành điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona. Tuy nhiên, tờ này dẫn lời các chuyên gia nhận định các áp lực này sẽ phản tác dụng bởi Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ.
Giáo sư Wei Zongyou thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) lập luận Bắc Kinh ghét việc các nước "giả định họ có tội", tức tiến hành điều tra nhưng trong đầu đã nghĩ sẵn virus có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do đó, quốc tế càng gây sức ép thì Trung Quốc sẽ càng từ chối.
Giáo sư Sulmaan Khan thuộc Đại học Tufts (Mỹ) thì lý giải khác. Ông Sulmaan cho rằng lý do chính khiến Trung Quốc từ chối cho quốc tế điều tra là vì sợ bị mất mặt.
"Nó giống như kiểu một nhóm người tới trước mặt bạn và nói bạn không đủ năng lực để làm việc đó nên họ sẽ làm điều đó thay cho bạn", chuyên gia Mỹ lập luận.
Bà Angela Stanzel thuộc Viện An ninh và quốc tế Đức nhận định việc tiếp tục duy trì sự mơ hồ về nguồn gốc virus như hiện nay có lợi cho Bắc Kinh trong bối cảnh nước này đang cố gắng "viết lại câu chuyện" về COVID-19.
Truyền thông Trung Quốc đã cho đăng tải nhiều bài viết, trong đó nhấn mạnh việc bệnh nhân COVID-19 đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc không có nghĩa virus có nguồn gốc từ nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gần đây cũng bắt đầu nhắc tới các bài báo nước ngoài cho biết các ca nhiễm đầu tiên tại phương Tây có thể sớm hơn nhiều so với mọi người đang nghĩ.
"Trung Quốc có thể sẽ cho phép tiến hành vài cuộc điều tra nhỏ để chứng minh họ vẫn hợp tác với thế giới. Tuy nhiên, theo tôi thấy khả năng các chuyên gia Mỹ được phép tham gia là rất thấp", bà Stanzel chốt vấn đề.
|