Người dân sau khi biết tin cuộc thử nghiệm thuốc điều trị virus Vũ Hán thất bại đã vô cùng thất vọng. Xoay quanh sự việc này, đã nổ ra một cuộc tranh cãi sau kết quả thử nghiệm thuốc trị Covid-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vô tình làm lộ một báo cáo sơ bộ về cuộc thử nghiệm remdesivir tại Trung Quốc trên 237 tình nguyện viên. Trong đó 158 người bệnh nặng được cho dùng thuốc, số còn lại dùng giả dược. Kết quả cho thấy tình trạng của bệnh nhân không cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ tử vong ở hai nhóm tương đương, ở nhóm dùng thuốc là 13,9%; nhóm giả dược 12,8%. Ảnh chụp báo cáo xuất hiện trên trang tin y tế STAT, sau đó đã bị gỡ.
Gilead Sciences, nhà sản xuất remdesivir, hôm qua lên tiếng cho rằng tài liệu của WHO dựa trên các dữ liệu không phù hợp. Thử nghiệm đã bị chấm dứt sớm do không đủ tình nguyện viên tham gia. Như vậy thông tin thu được quá mỏng và không có ý nghĩa thống kê.
"Kết quả không đủ thuyết phục. Tuy nhiên dựa trên xu hướng phát triển của dữ liệu, có thể thấy được tiềm năng của remdesivir, đặc biệt nếu điều trị sớm", hãng cho biết. Song Gilead không cung cấp tài liệu cụ thể để đối chứng điều này.
Các chuyên gia từng phỏng đoán những loại thuốc kháng virus như remdesivir hiệu quả nhất khi sử dụng sớm, vào giai đoạn đầu của căn bệnh bởi chúng có thể ngăn ngừa virus nhân lên trong cơ thể.
"Bạn có thể dập tắt một dám lửa trại, nhưng khi nó chuyển thành cháy rừng thì sẽ rất khó kiểm soát", tiến sĩ Kevin Grimes, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Houston Methodist, mô tả.
Hiện Gilead đang thực hiện độc lập một nghiên cứu remdesivir trên 400 bệnh nhân Covid-19 nặng ở Mỹ. Báo cáo dự kiến công bố cuối tháng này. Trước đó, thử nghiệm ba giai đoạn của Đại học Y khoa Chicago cho thấy hơn 100 tình nguyện viên, là bệnh nhân Covid-19 nặng, đã khỏi bệnh sau 6 ngày dùng thuốc.
Remdesivir nhận được sự quan tâm rất lớn của giới chuyên gia, bởi Covid-19 chưa có thuốc trị đặc hiệu. Thuốc từng được sử dụng chống dịch Ebola, tương đối an toàn về tác dụng phụ, nhưng cũng không mấy hiệu quả.