Đức bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế cộng đồng. Đồng thời chuẩn bị đợt bùng phát dịch virus Vũ Hán thứ hai. Sử dụng trung tâm triển lãm Messe ở Berlin thành bệnh viện dã chiến chống dịch.
Những đoạn dây vẫn treo trên trần nhà, nhưng khi tiến trình xây dựng hoàn tất, khu triển lãm rộng lớn này có thể chứa tới 1.000 bệnh nhân.
Đức bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế cộng đồng từng được áp dụng để ngăn nCoV lây lan. Tuy nhiên, giới chức Đức vẫn gấp rút tăng cường khả năng đối phó với đợt bùng phát thứ hai.
Thủ tướng Angela Merkel nhiều lần cảnh báo Đức không được ngủ quên trên chiến thắng. Merkel nói dù tỷ lệ lây nhiễm đã giảm, Đức vẫn trong "tình thế hiểm nghèo".
Chuyên gia virus Christian Drosten của Bệnh viện Charite ở Berlin cảnh báo nCoV có thể quay trở lại với "sức mạnh hoàn toàn khác".
"Virus sẽ tiếp tục lây lan trong vài tuần đến vài tháng tiếp theo. Làn sóng thứ hai sẽ nguy hiểm bởi nó có thể bùng lên ở mọi nơi cùng lúc. Chúng ta có thể phí phạm hoàn toàn thuận lợi ban đầu của mình nếu tự mãn", Drosten nói trên kênh NDR.
Thế giới ca ngợi Đức về hệ thống xét nghiệm diện rộng và năng lực điều trị bệnh nhân khổng lồ. Đề phòng nguy cơ bùng phát Covid-19 đợt hai, Đức dồn những nguồn lực to lớn để tăng số giường chăm sóc tích cực được trang bị máy thở.
Tại Bệnh viện Đại học Aachen, thành phố nằm sát biên giới với Hà Lan, hàng chục giường bệnh được chuẩn bị trong trường hợp số ca nhiễm tăng trở lại. Trưởng khoa Chăm sóc tích cực Gernot Marx nói bệnh viện "sẵn sàng phản ứng mạnh mẽ" trước đợt bùng phát thứ hai.
"Chúng tôi chưa phải quyết định (chọn điều trị cho ai và bỏ qua ai) bởi có nhiều giường bệnh và đã chuẩn bị rất tốt. Tôi hy vọng tình hình sẽ vẫn vậy", bác sĩ thuộc khoa Chăm sóc tích cực Anne Bruecken nói.
Gần 13.000 trong 32.000 giường chăm sóc tích cực tại Đức vẫn trống trong lần thống kê gần nhất. Từ khi Covid-19 bùng phát, Đức vẫn "kịp thở" hơn so với các nước láng giềng châu Âu, với 33,9 giường chăm sóc đặc biệt trên 100.000 người. Tỷ lệ này ở Pháp là 16,3 và ở Italy là 8,6. Đức cũng tăng đáng kể năng lực chăm sóc tích cực và sàng lọc.
"Đức đã chuẩn bị cho nguy cơ làn sóng thứ hai. Trong những tháng tới, chúng tôi có kế hoạch duy trì khoảng 20% giường bệnh với (thiết bị) hỗ trợ hô hấp và muốn dọn trống thêm 20% số giường trong 72 tiếng sau thông báo, nếu đợt bùng phát thứ hai xảy ra", Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Đức (DKG) Gerald Gass nói.
Đức ghi nhận hơn 150.000 ca nhiễm và hơn 5.300 người chết vì nCoV, tỷ lệ tử vong trong đại dịch tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu là 3,5%. Dù tiếp tục tăng, tỷ lệ tử vong tại Đức vẫn thấp hơn nhiều so với các nước như Tây Ban Nha hoặc Italy, nơi con số dao động ở mức 10%.
Khi hệ thống y tế của Đức chưa bị quá tải, Gass kêu gọi các bệnh viện từ từ quay trở lại chăm sóc các bệnh nhân bị đình chỉ điều trị vì họ được coi không thuộc diện "khẩn cấp". "Các bệnh viện của chúng tôi nhìn chung ít bận rộn hơn bình thường", Gass nói.
Đức đang theo đuổi chiến lược từng bước quay lại cuộc sống bình thường và thực hiện hàng trăm nghìn lượt xét nghiệm mỗi tuần. Thủ tướng Merkel nói Đức đặt mục tiêu trở về giai đoạn số ca nhiễm đủ thấp, có thể truy vết chuỗi tiếp xúc và cách ly nhằm ngăn dịch bùng phát ở nơi khác. Một ứng dụng theo dõi tiếp xúc dự kiến sẽ được tung ra trong vài tuần tới.
Giới chức Đức ban hành lệnh bắt buộc đeo khẩu trang khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng. Một số bang còn yêu cầu dân chúng đeo khẩu trang khi vào các cửa hàng.
"Chúng tôi rút ra bài học rằng lây nhiễm tăng đột biến đồng nghĩa hệ thống y tế ngay lập tức chịu gánh nặng. Chúng tôi cần xét nghiệm thật nhanh chóng để xác định được mức độ ảnh hưởng khi từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế", Gass nói.