Khi cả thế giới mỗi ngày thống kê số người nhiễm bệnh và tử vong do Covid-19 tăng cao. Thuỵ Điển cũng có đến 8.000 ca nhiễm và hơn 600 người tử vong vì dịch bệnh. Tuy nhiên nước này lại đi ngược thế giới trong cuộc chiến chống dịch.
Những ngày vừa rồi, người thân hay bạn bè của tôi từ Việt Nam gọi điện thoại nhiều lần và tin nhắn trên các ứng dụng Viber, Facebook liên tục báo khi họ thực sự lo lắng cho tôi và gia đình vì Thụy Điển chống dịch Covid-19 khác với hầu hết quốc gia trên thế giới.
Báo chí đưa rằng Chính phủ Thụy Điển hầu như không ngăn cấm gì và người dân ở đây vẫn sống như bình thường, các trung tâm mua sắm, hàng quán vẫn đông đúc tấp nập. Trong khi đó, tại Thụy Điển đã có gần 8.000 ca nhiễm và hơn 600 người tử vong vì Covid-19.
"Ở đây, không ai sử dụng khẩu trang, chị bảo tôi lúc này chị muốn về Việt Nam quá"
Người Thụy Điển cũng bị chia rẽ rất nhiều trong các cuộc tranh luận về chiến lược phòng chống Covid-19 của Chính phủ và người ta còn nói rằng sự chia rẽ này lớn như hồi cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015 khi mà Chính phủ Thụy Điển quyết định mở cửa biên giới đón nhận hàng chục nghìn người tị nạn.
Cộng đồng người Việt ở đây cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau, có những người tham gia ký cả đơn khuyến nghị gửi đến Chính phủ yêu cầu phải có các biện pháp thắt chặt hơn nữa, cũng có những người sinh sống lâu năm bày tỏ niềm tin vào đất nước và con người nơi đây.
Người Việt ở Thụy Điển kinh doanh nhà hàng và làm móng có lẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhà hàng thì phải giảm giờ mở cửa, chuyển sang bán đồ ăn sẵn mang về. Tiệm móng thì cho khách đặt hẹn trước để giãn lượng khách đến tiệm, mua thêm thiết bị bảo vệ như vách ngăn, đeo khẩu trang, găng tay. Những người lao động thời vụ phải nghỉ ở nhà thì thực sự lo lắng bởi không đi làm không đóng thuế có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền cư trú dài hạn sau này. Cuộc sống thực sự vô cùng khó khăn khi đại dịch ập đến.
Tôi có chị bạn làm việc ở viện dưỡng lão tại một thành phố nhỏ phía Bắc Stockholm, chị vô cùng lo lắng khi ở đây không ai sử dụng khẩu trang, chị bảo tôi lúc này chị muốn về Việt Nam quá, có ra sao thì cũng được gần họ hàng được ở nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Sẽ có những ánh mắt khó chịu với người đeo khẩu trang
Ngay từ thời gian đầu của dịch Covid-19, Cơ quan y tế công cộng Thụy Điển khẳng định phải tập trung bảo vệ người già và các nhóm nguy cơ cao như người có bệnh nền, khu vực y tế nơi người bệnh đang được điều trị. Tuần rồi, Bộ trưởng các vấn đề xã hội đã ban lệnh cấm thăm nom các viện dưỡng lão thay vì chỉ khuyến cáo như trước. Tuy vậy, nhân viên chăm sóc người già ở các viện dưỡng lão lại là người trẻ vẫn đi về hàng ngày trên phương tiện công cộng, phần lớn là những người nhập cư cố gắng đi làm theo giờ có được thu nhập nhiều nhất. Hiện đã gần 1/3 số viện dưỡng lão của Thụy Điển có người nhiễm Covid-19.
Đến nay, nếu ra đường hay đi siêu thị bạn gặp ai đeo khẩu trang hay đeo găng tay thì phần lớn là người châu Á như Trung Quốc hay Việt Nam. Sẽ có những ánh mắt khó chịu nhìn bạn vì nếu cần phải đeo khẩu trang tốt nhất bạn nên ở nhà. Người trẻ Thụy Điển khi được hỏi về Covid-19 họ không hề sợ hãi vì họ nói họ rèn luyện sức khỏe thường xuyên, họ tin rằng những người ốm sẽ ở nhà.
Đúng vậy, nền tảng xã hội Thụy Điển thực sự được xây dựng dựa trên sự tin tưởng. Bạn đi làm không phải chấm công, nhưng bạn đừng ăn bớt giờ làm bởi để có một công việc tốt với mức lương phù hợp với sức lao động của mình là điều không đơn giản. Bình thường khi người dân Thụy Điển mắc cúm mùa, họ cũng đã sẵn sàng ở nhà để tránh lây lan cho người khác. Ở đây cũng chẳng có giãn cách xã hội nghiêm trọng gì cả vì bình thường người Thụy Điển cũng đứng khá xa nhau rồi.
Hồi còn theo học thạc sĩ về chuyên khoa phân tích toàn cầu tại đây, tôi từng hỏi bạn bè người Thụy Điển của mình rằng có phải tính cách của người Thụy Điển lạnh lùng vậy không, bạn tôi bảo nếu sống lâu tôi sẽ hiểu được sự ấm áp của người Thụy Điển, họ xa cách bởi bạn chưa đủ thân và bởi họ tôn trọng không gian cá nhân của bạn mà thôi. Đúng vậy, nếu bạn gặp khó khăn, người Thụy Điển luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn.
Ở thành phố Stockholm, nơi mà số lượng ca nhiễm chiếm gần 1 nửa của cả nước và số lượng ca tử vong chiếm 2/3; có nhiều nhóm tình nguyện được lập lên để hỗ trợ người già, hỗ trợ những người hàng xóm tự cách ly bản thân do nghi nhiễm Covid-19. Họ lên lịch để mua giúp thực phẩm và các đồ thiết yếu, phân công hỗ trợ khu vực mình sinh sống. Cũng người hàng xóm sống rất gần ấy có khi chưa từng đứng nói chuyện riêng với bạn bao giờ đâu.
Sức khỏe tâm lý thực sự quan trọng với người Thụy Điển, họ không thể tưởng tượng nổi nếu khu vực họ sống bị phong tỏa, họ cho rằng nếu bạn thấy thực sự cần thiết bạn hãy tự cách ly bản thân mình. Trải qua cả mùa đông dài lạnh lẽo, họ không thể ở trong nhà khi tiết trời vừa sang xuân ánh mặt trời rực rỡ tiếng chim hót ríu rít trên các rặng cây.
Thụy Điển có mật độ dân cư khá thưa, khu nhà tôi ở vùng ven thủ đô Stockholm, tôi chưa từng thấy đông người tụ tập bao giờ. Khi mà tôi vẫn được đi dạo quanh nhà, khi tôi chủ động giãn cách xã hội, chủ động bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với người khác như đi siêu thị vào một giờ vắng hơn, cố gắng đi bộ nhiều hơn thay vì đi phương tiện cộng cộng tôi thấy tình huống hiện nay vẫn ổn. Xã hội vẫn được vận hành, các nhu cầu thiết yếu nhất vẫn được đáp ứng.
Thụy Điển tính toán rằng cuộc chiến chống Covid-19 có thể kéo dài đến 6 tháng. Chính sách thực sự của Thụy Điển không phải là để cho lây nhiễm cộng đồng mà là tìm cách giãn dịch để hệ thống y tế có thể đáp ứng được, tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ trong khi giảm thiểu tổn thất kinh tế, duy trì vận hành xã hội. Chính sách của Thụy Điển không phải là cấm là ép buộc người dân mà kêu gọi sự trách nhiệm, ý thức của mỗi cá nhân trọng cộng đồng. Sau cuộc chiến này, nếu Thụy Điển thành công, hẳn họ phải là một xã hội ưu việt; và nếu Thụy Điển thất bại, người ta sẽ nói rất nhiều về Thụy Điển. Và bây giờ, có lẽ vẫn là sớm để chúng ta kết luận điều gì.