Dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành Lục địa già. Đã có bài phát biểu hiếm thấy của Thủ tướng Merkel vì dịch bệnh. Cụ thể ra sao?
Trong thông điệp được phát trực tiếp trên truyền hình, Thủ tướng Angela Merkel ngày 18/3 nhấn mạnh đất nước đang đối diện cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II.
Việc phát biểu trên sóng truyền hình trực tiếp thường chỉ được Thủ tướng Angela Merkel sử dụng cho những bài phát biểu đầu năm mới. Bà cho biết phải lần đầu sử dụng đến "hình thức bất thường" này trong 14 năm qua để chia sẻ với người dân tính chất nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh.
"Hãy nhìn nhận nghiêm túc. Kể từ thời điểm nước Đức thống nhất, không, phải là kể từ Thế chiến II, đất nước chưa từng đối diện thách thức nào đòi hỏi hành động với mức thống nhất và đoàn kết cao như hiện nay", bà nhấn mạnh.
"Tôi thật sự tin rằng chúng tôi sẽ thắng lợi trước nhiệm vụ lần này, chỉ cần mọi công dân của đất nước hiểu rõ đây cũng chính là nhiệm vụ của các bạn", bà Merkel nhấn mạnh nhu cầu hành động thống nhất của khoảng 87 triệu công dân Đức.
Phát biểu của bà Merkel có thể là dấu hiệu cho thấy sức ép đại dịch đang được chính phủ Berlin cảm nhận ngày một rõ.
Thủ tướng Angela Merkel họp nội các ngày 18/3. Ảnh: AFP.Thiếu sự nhất quán trong ứng phó
Nhiều ý kiến chỉ trích thời gian qua cho rằng Đức phản ứng chậm chạp và thiếu nhất quán, thiếu sự lãnh đạo từ trung ương trước dịch Covid-19, căn bệnh gây nên bởi chủng virus corona mới (SARS-CoV-2).
Ban đầu, vai trò của Thủ tướng Merkel trong ứng phó dịch bệnh gần như mờ nhạt đến mức Bild, một trong những tờ báo lớn nhất nước Đức, phải đặt dấu hỏi về sự vắng mặt của bà trong cuộc chiến với Covid-19 với bài viết trên trang nhất: "Không hiện diện, không phát biểu, không lãnh đạo giữa khủng hoảng". Phải đến ngày 11/3, thủ tướng 65 tuổi mới có bình luận đầu tiên trước công chúng về tình hình dịch bệnh.
Chiến dịch ứng phó Covid-19 tại Đức gặp khó khăn ở khâu hậu cần, khi nỗ lực huy động nguồn lực cần sự phối hợp chặt chẽ giữa thống đốc và các cơ quan y tế của 16 bang. Mỗi bang lại có khả năng độc lập tuân thủ hoặc không tuân thủ các khuyến cáo từ Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại chính phủ trung ương.
Chính quyền bang Berlin vừa qua tuyên bố sẽ xây một bệnh viện mới với sức chứa 1.000 bệnh nhân. Điều này khiến Gerald Gab, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Đức, hoàn toàn bất ngờ và xem đây là minh chứng cho sự thiếu đồng bộ trong ứng phó dịch bệnh tại Đức.
Những bất cập giữa thời điểm cấp bách chống dịch thậm chí đã dấy lên tranh luận về mô hình liên bang của nước Đức, theo Washington Post.
Tờ Rheinische Post mô tả những lỗ hổng trong chiến dịch ứng phó virus corona là "bi kịch của người Đức". Trong khi đó, tạp chí chuyên về chính trị Cicero còn nhận định nặng nề hơn rằng "chủ nghĩa liên bang có thể có tính sát thương".
"Đây đúng là một phép thử sức ép cho hệ thống liên bang của chúng ta", Alexander Kekule, lãnh đạo viện chuyên về y - vi sinh học thuộc Đại học Halle, chia sẻ.
Kekule đánh giá Đức đang gặp những vấn đề tương tự Mỹ, khi mỗi bang lại có những quyết định khác nhau. Viện Robert Koch thậm chí không có quyền lực đủ lớn tại Đức như những gì Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tại Mỹ nắm trong tay. Trong một trường hợp điển hình, Viện Robert Koch dù ra khuyến cáo cách ly 14 ngày cho những ca nghi nhiễm nhưng không có triệu chứng, một bệnh viện đại học ở thành phố Aachen vẫn thông báo họ không thể tuân thủ vì sẽ ảnh hưởng đến công tác nhân sự.
Điểm kiểm tra y tế và xét nghiệm dã chiến tại lễ hội bia Oktoberfest ở thành phố Munich. Ảnh: AP.Tranh cãi chính sách để từng bang tự quyết
Phải đến vài ngày qua, các bang tại Đức mới bắt đầu tìm cách phối hợp đồng nhất, cùng đưa ra một bộ quy tắc chung về phong tỏa trên cả nước. Sau cảnh báo bi quan của nhiều nhà virus học ở Đức, các bang đang đồng loạt đóng cửa mọi quán bar, quán rượu đêm và cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu.
Tính đến ngày 18/3, tổng số ca bệnh dương tính với virus corona ở Đức đã lên đến 9.367, trong đó có 27 trường hợp tử vong. Giới chức y tế nước này cảnh báo số ca nhiễm đang tăng theo cấp số nhân. Viện Robert Koch nâng báo động dịch bệnh ở Đức từ "vừa" lên "nghiêm trọng". Các nhà khoa học dự báo khoảng 10 triệu người Đức sẽ nhiễm bệnh trong vòng 3 tháng tới, trong trường hợp chính phủ không có những biện pháp ứng phó quyết liệt và hiệu quả.
Dù vậy, một số bang ở Đức vẫn từ chối tuân thủ bộ quy tắc chung. Thống đốc bang Thuringia vẫn cương quyết không đóng cửa các khu vui chơi, dù một số khu vực đã tự giác ngừng hoạt động.
Thị trấn Schramberg ở phía tây nam nước Đức cũng không đóng cửa khu vui chơi. Truyền thông địa phương dẫn lời thị trưởng Schramberg nhấn mạnh tiếng nói quyết định không nằm ở chính quyền liên bang mà phải từ thống đốc bang Baden-Wurttemberg.
"Chúng ta có nhiều bang, mỗi bang có những cơ quan khác nhau và giải pháp khác nhau. Khó để tìm ra sự đồng nhất, nhưng chúng ta sẽ thực hiện mọi điều khả dĩ", Martin Scherer, Phó chủ tịch Trường Bác sĩ Đa khoa và Chuyên khoa Đức, nhận định.
Theo ông Scherer, phối hợp giữa những nhân tố chủ chốt trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh diễn ra khá chậm trong vài tuần qua. Giờ đây, lãnh đạo các cơ quan y tế 16 bang đã bắt đầu họp trực tuyến mỗi ngày một lần.
Vẫn có những lập luận bảo vệ mô hình phi tập trung hóa của Đức có những ưu điểm khi đất nước trong tình trạng khẩn cấp. Bộ trưởng Y tế bang Saarland, bà Monika Bachmann, nói mô hình này cho phép mỗi bang giải quyết được nhu cầu của họ.
"Chúng tôi đối diện những thách thức khá đặc biệt vì khu vực này có nguy cơ cao. Đó cũng là lý do chúng tôi cần những biện pháp khác biệt", bà cho biết.
Christian Drosten, Giám đốc Viện Virus học tại Bệnh viện Charite ở Berlin, cho biết mô hình phi tập trung hóa cho phép nhanh chóng thực hiện xét nghiệm để nước Đức truy dấu lây nhiễm. Trả lời với truyền thông, ông nhận định mô hình hiện nay tạo cho Đức ưu thế lớn trong công tác nhận diện dịch bệnh.
Các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm tại Đức chắc chắn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Thủ tướng Merkel đã kêu gọi mọi công dân Đức chung tay và thực hiện trách nhiệm của mình trong nỗ lực hạn chế thiệt hại từ dịch bệnh.
"Tôi tuyệt đối tin tưởng chúng ta sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này. Nhưng con số tử vong sẽ là bao nhiêu, chúng ta sẽ mất đi bao nhiêu người thân ... Đó không phải là những con số thống kê vô nghĩa, mà họ là những người cha, người ông, người mẹ, người bà, người bạn đời. Chúng ta là một cộng đồng, trong đó mỗi sinh mạng, mỗi con người đều quan trọng", bà nhấn mạnh.
VietBF@ sưu tầm.