Tình hình dịch COVID-19 tính đến chiều 6-3 có diễn biến mới. Cách đây vài giờ, các nhà nghiên cứu Trung Quốc tin virus COVID-19 có thể tấn công hệ thần kinh của bệnh nhân. Cụ thế như sau:
Hơn 1.000 ca, cách ly khách Hàn, Trung
Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 14 giờ ngày 6-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) gây ra là 3.383 (tăng 35 ca so với sáng cùng ngày). Tổng số ca nhiễm là 97.948. Có 55.186 ca chữa khỏi.
Có 341 ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục. Cụ thể, Ý cao nhất với 148 ca, Iran 107 ca, Hàn Quốc 42 ca, Nhật Bản 12 ca (đã tính sáu ca trên du thuyền Diamond Princess neo tại nước này), Pháp bảy ca, Tây Ban Nha ba ca, Mỹ 10 ca, Anh một ca, đặc khu Hong Kong hai ca, Thụy Sĩ một ca, Úc hai ca, Thái Lan một ca, Đài Loan một ca, Philippines một ca, Iraq hai ca, San Marino một ca.
Cựu cố vấn ngoại trưởng Iran tử vong vì virus COVID-19
Ông Hossein Sheikholeslam - cựu Đại sứ Iran tại Syria kiêm cố vấn của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif, đã tử vong do COVID-19.
Theo đài RT, ông Sheikholeslam là quan chức cao cấp thứ ba trong chính phủ qua đời vì virus COVID-19. Hai người kia là một thành viên hội đồng cố vấn cho lãnh tụ tối cao Iran và một thành viên quốc hội mới được bầu.
Tình hình dịch COVID-19 tính đến chiều 6-3 - ảnh 1
Ông Hossein Sheikholeslam, cựu đại sứ Iran tại Syria và là cựu cố vấn cho Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: TWITTER
Truyền thông Iran đưa tin ông Sheikholeslam nhiễm virus COVID-19 cách đây chỉ vài ngày. Ông Mohammad Sadr - thành viên Hội đồng Phân xử khẩn cấp của Iran cũng được cho là đã dương tính với virus này.
Iran đang là quốc gia có số ca COVID-19 nhiều thứ tư thế giới với hơn 3.500 ca, trong đó ít nhất 108 ca tử vong, nhiều thứ ba thế giới chỉ sau Trung Quốc đại lục và Ý. Đây cũng là quốc gia có nhiều quan chức chính phủ nhất bị lây nhiễm virus COVID-19 nhất cho đến thời điểm này, trong đó có một phó tổng thống và một thứ trưởng y tế.
Nhật: Hơn 1.000 ca nhiễm, cách ly khách Hàn, Trung Quốc
Đến sáng 6-3, tờ South China Morning Post ghi nhận Nhật Bản có 1.060 ca lây nhiễm virus COVID-19 với 12 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, nếu không tính du thuyền Diamond Princess (với 696 ca nhiễm và sáu ca tử vong) thì Nhật Bản chỉ ghi nhận 364 ca mắc bệnh và sáu ca tử vong do dịch COVID-19.
Tình hình dịch COVID-19 tính đến chiều 6-3 - ảnh 2
Quân nhân Hàn Quốc mặc đồ bảo hộ đang khử trùng tại tuyến phố thuộc khu vực mua sắm ở Seoul, Hàn Quốc ngày 6-3-2020. Ảnh: REUTERS
Trong nỗ lực chặn đà lây lan của dịch, Thủ tướng Shinzo Abe trong họp báo ngày 5-3 đã ban hành lệnh yêu tất cả công dân Trung Quốc, Hàn Quốc nhập cảnh nước này sẽ bị cách ly tại các cơ sở y tế trong 14 ngày, theo tờ The Japan Times.
Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ hạn chế các chuyến bay từ Trung Quốc và Hàn Quốc đến hai sân bay quốc tế Narita và Kansa do quá gần Tokyo đồng thời rút lại toàn bộ thị thực tạm thời cho công dân hai nước trên đã cấp từ trước.
Ca nhiễm virus COVID-19 mới tại Trung Quốc tiếp tục tăng
Trung Quốc ngày 6-3 công bố 143 ca nhiễm mới, tăng so với 139 ca so với số liệu công bố một ngày trước đó. Tổng số người nhiễm virus COVID-19 tại Trung Quốc đại lục đã lên tới 80.552. Số ca tử vong hiện là 3.042, tăng thêm 30 người trong ngày 5-3.
Gần như toàn bộ ca tử vong mới đều ở tỉnh Hồ Bắc (29 ca), tập trung tại tỉnh lỵ Vũ Hán (23 ca). Số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đã tăng trở lại sau nhiều ngày giảm liên tiếp, giữa lúc dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ bên ngoài Trung Quốc, gây lo ngại từ châu Á đến châu Âu và Mỹ.
Virus COVID-19 tấn công hệ thần kinh
Theo Tân Hoa xã, các bác sĩ Trung Quốc lần đầu tiên chứng minh được rằng virus COVID-19 có thể làm tổn thương hệ thần kinh trung ương của bệnh nhân.
Ngày 5-3, các bác sĩ của Bệnh viện Địa Đàn tại Bắc Kinh tuyên bố phát hiện virus COVID-19, trong dịch não tủy của một nam bệnh nhân. Họ kết luận bệnh nhân 56 tuổi này nhiễm COVID-19 vào ngày 24-1.
Khi được điều trị tại khoa chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân có những triệu chứng liên quan tới tình trạng suy giảm nhận thức, dù các hình ảnh chụp CT phần đầu của bệnh nhân không cho thấy dấu hiệu bất thường.
Các phác đồ điều trị thông thường không hiệu quả đối với trường hợp nặng như trên, nên đội ngũ y tế sau đó giải trình tự gen trên các mẫu dịch não tủy của bệnh nhân.
Sau đó, nhóm bác sĩ phải áp dụng phác đồ điều trị viêm não do virus, thì các triệu chứng thần kinh của bệnh nhân dần thuyên giảm. Bệnh nhân được chuyển tới khoa truyền nhiễm vào ngày 18-2, và xuất viện hôm 25-2.
Những nghiên cứu trước đây chỉ ghi nhận COVID-19 có thể tấn công các nội tạng như gan, thận và tim. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng từng phát hiện virus SARS và MERS có thể xâm nhập hệ thống thần kinh của bệnh nhân.
VietBF@ sưu tầm.