Tổng thống Rouhani cho rằng chính Mỹ đã gieo rắc nỗi sợ hãi về nCoV trong bối cảnh Iran ghi nhận số ca tử vong vì dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc.
"Chúng ta không nên để Mỹ gán cho một loại virus mới lấn át cả virus corona, có tên là 'tột cùng sợ hãi'", Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm nay nói trong cuộc họp nội các hàng tuần ở Tehran. "Bản thân người Mỹ đang phải vật lộn với virus corona. 16.000 người Mỹ từng chết vì cúm, nhưng họ không nói về chính họ", ông cho biết.
Tuyên bố được Rouhani đưa ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến 139 người nhiễm bệnh ở Iran, với ít nhất 19 trường hợp tử vong. Đây là quốc gia có tỷ lệ chết vì dịch cao nhất thế giới, hơn 13%, trong khi tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc chỉ hơn 3%.
Alireza Vahabzadeh, cố vấn truyền thông của Bộ trưởng Y tế Iran, hôm qua thông báo Thứ trưởng Y tế Iraj Harirchi cũng đã nhiễm nCoV.
Người dân đeo khẩu trang trên đường phố thủ đô Tehran, Iran hôm 20/2. Ảnh: Reuters.
Iran hôm 19/2 ghi nhận hai ca tử vong đầu tiên do nCoV ở thành phố Qom, thành phố linh thiêng của người Hồi giáo dòng Shiite. Chính quyền đã cho đóng cửa các trường học, trung tâm văn hóa, hủy các sự kiện thể thao và triển khai đội ngũ công nhân vệ sinh khử trùng xe buýt, tàu hỏa và các địa điểm công cộng.
Một số nước láng giềng tuyên bố đóng cửa biên giới với Iran nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nhiều nước cũng ngừng bay tới quốc gia Hồi giáo sau khi các ca nhiễm nCoV đến từ Iran được xác nhận ở Canada, Lebanon, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Afghanistan và Iraq.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 25/2 bày tỏ quan ngại rằng Iran có thể che đậy sự thật về sự lây lan của dịch, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia nên "công bố sự thật".
Tổng thống Rouhani hôm nay khẳng định Iran đã đạt được những tiến bộ trong cuộc chiến chống nCoV, đồng thời tuyên bố sẽ minh bạch về các thống kê liên quan đến dịch bệnh.
Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 39 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019. Thế giới hiện ghi nhận hơn 80.000 ca bệnh, hơn 2.700 trường hợp tử vong, phần lớn tại Trung Quốc đại lục.
VietBF © sưu tầm