Chiếc mặt nạ oxy trên máy bay khi hành khách đeo vào có thể hít phải bụi hóa học. Chuyên gia đánh giá hít lượng nhỏ bụi hóa học "tốt hơn" so với việc hành khách ngạt thở vì không dùng mặt nạ dưỡng khí.
Khi máy bay gặp sự cố, phi công sẽ ấn nút thả mặt nạ dưỡng khí xuống cho hành khách. Tuy nhiên, thứ mà hành khách được cung cấp không chỉ đơn giản là oxy như nhiều người vẫn nghĩ. Nguyên nhân là máy bay không có bình chứa oxy. Thay vào đó, nó có một loại hóa chất bị đốt cháy, phản ứng tạo ra oxy đủ cho mỗi hành khách hít thở trong 15 phút. Do đó, hành khách có thể sẽ hít phải cả oxy và bụi hóa học.
Trong phần hướng dẫn an toàn bay trước khi khởi hành, tiếp viên luôn khuyên hành khách trong trường hợp máy bay gặp sự cố, mọi người nên đeo mặt nạ oxy cho mình trước khi hỗ trợ người ngồi cạnh. Ảnh: Alamy.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là: "Hít phải bụi hóa học có nguy hiểm không?". Arch Carson, chuyên gia sức khỏe nghề nghiệp tại Trung tâm Khoa học Y tế của đại học Texas, Mỹ cho biết hành khách sẽ không sao nếu hít một lượng nhỏ. Chuyên gia này nhấn mạnh việc hít phải một chút bụi hóa học vẫn tốt hơn bị ngạt thở vì từ không đeo mặt nạ dưỡng khí.
Arch cho biết hành khách có thể ngửi thấy mùi khét trong cabin sau khi phản ứng hóa học xảy ra để tạo oxy. Điều này không có nghĩa là khoang máy bay bị cháy, do đó hành khách nên bình tĩnh.
Lý do trên máy bay không có bình oxy là chúng vừa nặng vừa cồng kềnh, chiếm nhiều không gian. Trong khi đó, những hóa chất thì nhỏ và nhẹ hơn rất nhiều, dễ dàng được trữ trong tủ khóa trên cao trong cabin. Những hoá chất này phải được kiểm tra thường xuyên và bảo quản kỹ lưỡng để tránh sự cố. Chuyến bay mang số hiệu 592 của hãng ValuJet đã bị rơi năm 1996 do máy tạo oxy hết hạn gây hỏa hoạn trong khoang chở hàng. Vụ tai nạn khiến toàn bộ 110 người thiệt mạng.