Muốn dạy trẻ kinh doanh hãy theo đuổi những phương pháp dưới đây. Thói quen ngủ lành mạnh hay khả năng đo lường là những yếu tố giúp trau dồi khả năng kinh doanh của trẻ trong tương lai.
1. Thiết lập thói quen ngủ
Thói quen ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Việc thiếu ngủ làm chậm tốc độ làm việc, suy yếu hệ thống miễn dịch và cản trở việc ra quyết định. Phụ huynh có thể thiết lập thói quen ngủ lành mạnh cho con từ độ tuổi một đến sáu.
Khi trẻ mới chập chững biết đi, hãy dạy con bốn hoạt động sau: tắm, đánh răng, đọc sách và lên giường ngủ. Nếu ngay từ nhỏ đã tuân thủ bốn hoạt động trên, trẻ có thể thiết lập thói quen của riêng mình và dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
2. Chơi trò chơi yêu cầu ngược
Từ khoảng 3 tuổi, trẻ có thể bắt đầu chơi trò giống như "Simon nói". Cha mẹ giao một nhiệm vụ đi kèm câu "Simon nói" để trẻ làm theo. Trò này có thể áp dụng bằng tiếng mẹ đẻ hoặc bằng tiếng Anh để học ngoại ngữ.
Tuy nhiên, phụ huynh hãy thử đổi ngược trò chơi bằng cách khi cha mẹ yêu cầu một nhiệm vụ bất kỳ, trẻ không được làm theo mà phải làm nhiệm vụ khác ngược lại. Ví dụ, cha mẹ nói "Simon nói con hãy chạm tay vào ngón chân" thì trẻ không được chạm tay vào ngón chân mà có thể chạm các ngón chân với nhau. Hoạt động làm ngược lại yêu cầu giúp trẻ kiểm soát ức chế, phát triển tính linh hoạt, sáng tạo và nâng cao khả năng ghi nhớ.
3. Đo lường
Dù doanh nhân có thể thuê nhân viên kế toán hoặc có bộ phận kinh doanh riêng nhưng khả năng đếm và đo lường cơ bản vẫn vô cùng quan trọng. Nó giúp mỗi người kinh doanh có thể tự quản lý nguồn tiền ra, vào.
Trẻ có thể học cách đo lường từ nhỏ bằng những nhiệm vụ đơn giản. Ví dụ, cha mẹ có thể yêu cầu đếm số lego cần có để xếp từ mặt đất đến giường. Bạn sẽ phải bất ngờ với khả năng sáng tạo của trẻ để có thể đếm được số lego theo yêu cầu.
4. Giá trị
Hầu hết doanh nhân thấm nhuần những giá trị cốt lõi giúp điều hành doanh nghiệp hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh. Những giá trị này có thể được bồi đắp từ khi trẻ còn nhỏ bằng phương pháp dưới đây.
- Trung thực: Phụ huynh hãy làm gương cho trẻ, luôn trung thực, minh bạch khi nói chuyện, ứng xử với mọi người xung quanh, từ đó các em nhỏ có thể hiểu rằng việc lừa dối người khác là hành động không thể chấp nhận.
- Quyết tâm: Phụ huynh nên tránh khen ngợi trẻ quá nhiều và nên ủng hộ nỗ lực, cố gắng của con. Đây là cách gieo mầm động lực giúp trẻ luôn nhìn về phía trước, không kiêu ngạo, tự phụ.
- Cân nhắc: Yêu cầu con gợi ý, như làm thế nào để chuyến đi đến cửa hàng dễ chịu hơn. Bên cạnh việc khuyến khích kỹ năng giải quyết vấn đề, những gợi ý này làm cho trải nghiệm đến cửa hàng tạp hóa tốt hơn cho cả gia đình.
- Tình yêu: Đừng ngại ngùng thể hiện tình cảm với người khác trước mặt trẻ. Ví dụ ôm bạn bè, người thân, bắt tay đồng nghiệp hoặc nói lời khen ngợi, biết ơn mọi người xung quanh. Đây là cách đơn giản để trẻ hiểu được tình yêu, lòng biết ơn.
5. Kể chuyện
Sau khi đọc sách cho con, cha mẹ hãy thảo luận về nội dung câu chuyện, bài học rút ra và khuyến khích con kể chuyện. Ví dụ nếu con đến thăm nhà bạn hoặc ở nhà ông bà, hãy khuyến khích con kể lại những chuyến đi đó dưới dạng một câu chuyện. Trong quá trình nuôi dạy, hãy luôn tích cực trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với con.
Việc trò chuyện hay kể những câu chuyện là cách rèn luyện khả năng giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ, những kỹ năng mềm rất quan trọng trong công việc tương lai. Ví dụ, khả năng giao tiếp sẽ rất quan trọng để trò chuyện cùng nhân viên, sếp hoặc khách hàng, còn khả năng sử dụng ngôn ngữ sẽ giúp bài thuyết trình, biện luận trước đám đông trở nên hấp dẫn hơn.
6. Hiểu rõ cách xã hội hoạt động
Cha mẹ có thể tận dụng cơ hội ra đường cùng con để chỉ cách thức xã hội vận hành, hiểu mỗi cửa hàng, dịch vụ đều mang mục đích cụ thể và mỗi nhân viên có kỹ năng riêng. Ví dụ, cửa hàng giặt là là nơi quần áo, chăn ga gối bẩn được giặt sạch, phơi khô. Nếu cần lập trình viên tự do, người ta sẽ biết phải truy cập vào các trang web kết nối doanh nghiệp và chuyên viên toàn cầu như Toptal, Upwork. Khi trưởng thành, trẻ có thể áp dụng kiến thức xã hội cơ bản này trong công việc kinh doanh.
7. Khen ngợi sự nỗ lực
Khi trẻ có thể đánh vần từ chính xác, thay vì khen "Con thật thông minh", cha mẹ nên hướng lời khen về nỗ lực, cố gắng của con. Cách thức khen ngợi này khuyến khích trẻ phát triển tư duy tăng trưởng, cho phép chúng giải quyết thách thức, vượt qua các rào cản với thái độ nghiêm túc, không tự kiêu.
8. Lên lịch hoạt động
Người kinh doanh giỏi có thể kiểm soát tốt lịch trình, hoạt động của bản thân. Một lịch trình khoa học giúp cá nhân quản lý thời gian hiệu quả, biết đặt mục tiêu vào những việc cụ thể, quan trọng. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể giúp con quản lý lịch trình cá nhân bằng cách tự lên lịch mỗi ngày, mỗi tuần và mỗi tháng. Với lịch ngày, hãy yêu cầu trẻ viết ra việc cần làm, cuối ngày có thể tổng kết lại hoạt động nào đã và chưa hoàn thành. Làm điều tương tự với lịch tuần và lịch tháng. Từ đó, trẻ sẽ biết cách xây dựng lịch trình và quản lý hoạt động của mình.
9. Ghi chép về xung đột
Bạn sẽ xử lý thế nào khi con cãi nhau với anh chị em ruột hoặc bạn bè trên trường? Ghi chép lại những cuộc cãi vã là phương pháp giáo dục con tư duy phê phán. Bạn hãy cùng trẻ trình bày lại những vấn đề xung đột dưới nội dung sau.
- Xác định vấn đề gây ra xung đột.
- Xác định mục tiêu cần đạt sau khi xung đột xảy ra.
- Liệt kê danh sách hướng giải quyết.
- Suy nghĩ về cách các giải pháp này được thực hiện.
- Chọn một giải pháp và thử áp dụng vào thực tế.
Sau khi đã liệt kê và thử giải pháp được chọn, cha mẹ hãy cùng con thảo luận về hướng đi và cách điều chỉnh giải pháp. Một cuộc cãi vã có thể khiến cha mẹ đau đầu nhưng nếu biết cách tận dụng, đây sẽ là cơ hội để dạy trẻ những kỹ năng giá trị trong tương lai.