Một khu rừng cổ đại lâu đời nhất thế giới với niên đại lên tới 386 triệu năm vừa được phát hiện ở một mỏ đá bỏ hoang gần New York, Mỹ. Rễ hóa thạch của nhiều cây cao gần 20 m, tìm thấy ở dưới cùng của mỏ đá, dưới chân dãy Catskill thuộc khu vực thung lũng Hudson, New York.
Dấu tích hóa thạch của khu rừng cổ đại lâu đời nhất thế giới, với niên đại khoảng 386 triệu năm
Nhóm nghiên cứu cho biết, khu rừng này phát triển mạnh mẽ vào thời kỳ Devonia. Đó là giai đoạn phần lớn sự sống của trái đất nằm dưới đại dương, khoảng 419 đến 359 triệu năm trước, rất lâu trước khi khủng long xuất hiện.
Khu rừng bị xóa sổ sau một trận lụt lớn
Một số rễ hóa thạch có đường kính hơn 15 cm tạo thành mô hình lan rộng hơn 10 m từ gốc cây. Mạng lưới cây xanh sẽ lan rộng khắp tiểu bang Pennsylvania lân cận và xa hơn nữa.
Các nhà khoa học đến từ trường Đại học Binghamton cho biết, phát hiện này mang tới "cái nhìn sâu sắc hơn về sự biến đổi của trái đất thành một hành tinh có rừng xanh". Trong đó, nghiên cứu từ trường Đại học Cardiff tiết lộ, nhiều hóa thạch cá trên bề mặt cho thấy khu rừng tươi tốt này đã bị xóa sổ bởi một trận lụt.
Mô tả về khu rừng cổ đại này, nhóm nghiên cứu cho biết có những cây lá kim với kích thước nhỏ tới trung bình, cây dương xỉ chen chúc giữa những loài thực vật nhỏ hơn mọc giữa chúng. Loài cây tiếp theo cũng được phát hiện, có thể là một loài thông, nhưng chưa được xác định.
Những phát hiện làm sáng tỏ sự phát triển của thực vật trong vai trò định hình thế giới chúng ta đang sống ngày nay. Những thay đổi mạnh mẽ này đã hình thành nên các khu rừng nguyên thủy và trái đất cũng liên tục biến đổi kể từ đó.
VietBF © sưu tầm