Nhóm khảo cổ đã khai quật thành công hai ngôi mộ cổ Hoàng gia từ thời kỳ Đồ Đồng ở phía nam Hy Lạp. Xung quanh rải đầy những mảnh vàng lá từng dán trên tường.
Đó là hai ngôi mộ Hoàng gia cổ đại với niên đại khoảng 3500 năm, bên trong chứa nhiều châu báu và hàng nghìn miếng vàng lá.
Những ngôi mộ có niên đại khoảng 3500 năm, được phát hiện gần thành phố cổ Pylos thời Mycenaean ở vùng Peloponnese của Hy Lạp. Một ngôi mộ có đường kính khoảng 12 m, mộ còn lại đường kính khoảng 8,5 m.
Một trong những món đồ bằng vàng, chạm khắc hình hai con bò và cây lúa mạch, tìm thấy trong mộ cổ
Chúng được thiết kế theo phong cách Tholo, đặc trưng bằng công trình ngầm hình vòm khổng lồ như tổ ong. Loại lăng mộ này thường dành cho Hoàng gia.
Bên trong mộ chứa kho trang sức, đồ tạo tác chạm khắc. Trong đó có những bằng chứng về sàn nhà lót vàng, nhẫn vàng, mặt dây chuyền bằng vàng hình nữ thần Ai Cập cổ đại Hathor, chiếc nhẫn vàng độc đáo khắc hình hai con bò và cây lúa mạch - loại lương thực quan trọng được người Hy Lạp trồng suốt nhiều thập kỷ, một lượng vàng lớn cũng như nhiều cổ vật quý giá nhập từ nơi khác như đá carnelian đỏ, hổ phách Baltic và thạch anh Ai Cập.
Ngôi mộ chứa nhiều châu báu và mảnh vàng lá
Sự xa hoa lộng lẫy của hai ngôi mộ cho thấy chủ nhân chúng là người có địa vị và giàu có. Các nhà nghiên cứu tuyên bố đó là tư liệu quý giá giúp nhiều nhà sử học "lấp đầy" những khoảng trống trong kiến thức về nền văn minh Hy Lạp thuở sơ khai.
Những phát hiện mới này sẽ cung cấp nhiều tư liệu quý giá về nền văn minh Hy Lạp thuở sơ khai
Theo Bộ Văn hóa Hy Lạp, mái nhà hình vòm của hai ngôi mộ đã sụp đổ trong thời cổ đại. Các căn phòng chứa quá nhiều đất và đá vụn khiến những kẻ trộm mộ không thể vào trong để cướp bóc.
Cũng theo đại diện từ Bộ Văn hóa, phát hiện mới này đặc biệt quan trọng bởi nó làm sáng tỏ giai đoạn đầu của nền văn minh Mycenaean tại Hy Lạp, tồn tại trong khoảng từ năm 1600 đến 1100 Trước Công nguyên.
VietBF © sưu tầm