Nghề đao phủ ngày xưa ở TQ là nghề rất kén người nên không phải ai cũng dễ dàng trở thành đao phủ. Nghề này cũng có những qui định ngầm riêng và 1 khi ai đó phạm luật đều phải trả giá. Dưới đây là 1 trong những trường hợp minh chứng cho điều đó. Chẳng những phải chịu sự xa lánh từ xã hội, người đàn ông còn phải kết thúc cuộc đời trong ám ảnh, day dứt và cô độc vì "báo ứng" do đã phạm vào đại kỵ mà tổ nghề từng truyền lại.
Đã từng xuất hiện và tồn tại trong suốt mấy ngàn năm của lịch sử phong kiến Trung Hoa, đao phủ từ lâu vẫn được xem là một nghề nghiệp hết sức đặc biệt. Công việc chính của những người làm nghề này chính là trực tiếp hành hình phạm nhân.
Phải tới sau khi Thanh triều diệt vong, nghề đao phủ mới từ từ biến mất trên vũ đài lịch sử. Thế nhưng những giai thoại kỳ lạ xung quanh nghề nghiệp có phần thần bí và đáng sợ ấy vẫn tiếp tục được hậu thế kể cho nhau nghe trong những lúc trà dư tửu hậu.
Và câu chuyện về báo ứng của người đao phủ cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa dưới đây cũng là một trong số đó.
Những đại kỵ ít biết của nghề chém đầu vào thời phong kiếnTại Trung Hoa thời cổ đại, hầu hết các án tử hình đều thường áp dụng hình phạt chém đầu, mà những người trực tiếp thi hành án phạt đẫm máu này chính là những đao phủ chuyên nghiệp.
Đao phủ vào thời bấy giờ được xem là một nghề nghiệp hết sức thần bí. Bởi nhiều người cho rằng những người làm nghề này đều thường xuyên "giao tiếp với người chết".
Đó cũng là một trong những lý do mà cổ nhân xưa vẫn thường hết sức kiêng kỵ đối với các đao phủ sống vào thời ấy.
Tương truyền rằng nếu muốn trở thành một đao phủ chân chính, người theo nghề này trước nhất phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí khắt khe về phương diện đao pháp.
Đặc biệt, phàm là ai muốn luyện được đao pháp cao siêu thì phải tìm được người truyền dạy, sau đó lại tiếp tục trải qua một quá trình huấn luyện nghiêm khắc, tới khi đạt được trình độ hợp cách mới có thể quang minh chính đại bước ra pháp trường để hành hình.
Trong quá trình gian khổ ấy, hầu hết những người theo học đều bắt đầu từ việc luyện tập chém dưa để xem có tiềm năng, tư chất hay không. Phàm là ai không có "thiên phú" thì dẫu cho có luyện tập cả đời cũng chẳng thể ra nghề nổi.
Cũng bởi vậy mà tỷ lệ đào thải của nghề nghiệp như đao phủ vốn được đánh giá là rất cao. Tuy rằng số người chân chính muốn làm nghề này đã hiếm, thế nhưng những người đủ tố chất, đủ kiên trì để trở thành một đao phủ chuyên nghiệp lại càng đếm trên đầu ngón tay.Chưa dừng lại ở đó, trong giới đao phủ vào thời cổ đại cũng lưu truyền nhiều luật bất thành văn mà bất cứ ai cũng cần phải tuân thủ.
Ví dụ như khi hành hình, chỗ hạ đao phải là vị trí nhỏ nhất ở trên cổ phạm nhân để giảm bớt đau đớn cho người bị chém đầu.
Trước khi lên pháp trường, tất cả các đao phủ đều phải mài đao thật kỹ. Bởi loại đao mà họ dùng đều dễ dàng bị rỉ sét, muốn giảm bớt thống khổ cho phạm nhân thì bắt buộc cần phải mài sắc.
Đặc biệt, điều "đại kỵ" nhất của nghề này là tuyệt đối không được chém đầu quá 100 người. Vì vậy khi đã chém đủ 99 thủ cấp, các đao phủ tuyệt đối không thể hành nghề thêm được nữa.
Đây vốn là quy củ của tổ nghề lưu lại, bởi giới đao phủ tin rằng nếu số lượng thủ cấp chém đầu vượt quá con số trên thì chắc chắn sẽ gặp báo ứng. Quy củ này vốn được giới đao phủ gìn giữ hết sức cẩn thận.
Thế nhưng tới những năm cuối thời nhà Thanh, có một nhân vật đã cả gan phá vỡ điều đại kỵ ấy. Đó chính là Đặng Hải Sơn (có tài liệu ghi là Đặng Hải Sinh) – người hành nghề đao phủ cuối cùng của lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Báo ứng rùng rợn của đao phủ cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa
Năm 1914, chính phủ đương thời ban bố quy định dừng thi hành án chém đầu, đổi phương thức hành hình thành bắn súng.
Đó là điều luật do chính phủ Dân quốc ban ra, thế nhưng lúc ấy trên lãnh thổ Trung Hoa hình thành không ít thế lực quân phiệt, vì vậy không phải địa phương nào cũng tuân thủ quy định này, Trường Sa (thuộc Hồ Nam – Trung Quốc) cũng nằm trong số đó.
Bởi vậy mà năm 1925, Đặng Hải Sơn khi ấy đã bước qua độ tuổi 60 lại tiếp tục tới đất Trường Sa để đảm nhiệm công việc của một đao phủ.
Cũng trong năm ấy, tờ "Đại công báo" được xuất bản ở Hồ Nam đã từng nhắc tới người đao phủ cuối cùng này và khẳng định ông đã từng chém đầu tới hơn… 300 người.
Con số khiến nhiều người rùng mình này cũng đã chỉ ra một sự thật: Đặng Hải Sơn từ sớm đã phạm vào đại kỵ của nghề đao phủ.
Lúc ấy, xã hội phong kiến vẫn còn hết sức mê tín. Đặng Hải Sơn cũng không phải ngoại lệ. Bằng chứng là mỗi lần hành hình xong, trên con đường từ pháp trường trở về, đao phủ khét tiếng này vẫn luôn đi thẳng mà không dám quay đầu lại.
Sau đó khi về tới nha môn, ông thậm chí còn nhờ nha dịch dùng thanh trúc đánh vào cổ mình, mục đích là để đánh tan sát khí.
Chưa dừng lại ở đó, mỗi khi không hành nghề, Đặng Hải Sơn vẫn thường ăn chay niệm Phật với mục đích tích công đức, cầu bình an.
Thế nhưng việc đao phủ họ Đặng theo đuổi nghề này cả một đời cũng không thể xem là quá khó hiểu. Bởi vào thời đại bấy giờ, những đao phủ thực thụ càng lúc càng khó tìm, dù đãi ngộ của nghề nghiệp này khi ấy được xem là vô cùng cao.
Cũng bởi số người hành nghề quá ít trong khi lương thưởng lại hậu hĩnh, cho nên Đặng Hải Sinh mới theo nghề chém đầu người cho tới gần cuối đời.
Tương truyền rằng vào thời điểm đó, mỗi đao phủ chém đầu 1 phạm nhân có thể thu về 4 đồng đại dương – con số bằng tiền tích cóp của cả gia đình trong suốt 1 năm ròng rã.
Đó là chưa kể tới những đãi ngộ đi kèm hậu hĩnh từ quan phủ và hàng loạt các khoản thu không chính đáng khác đến từ gia đình của những phạm nhân bị hành hình.
Vì vậy mà sau khi Thanh triều bị diệt vong, Đặng Hải Sơn dù rơi vào cảnh thất nghiệp nhưng cũng chẳng hề túng thiếu tiền bạc.
Thế nhưng vì cả đời gắn bó với một công việc quá đỗi dã man và đẫm máu, những người xung quanh luôn coi ông là một kẻ đem đến điềm xui xẻo.Trong những năm tháng sau này, Đặng Hải Sơn vẫn luôn sống trong cô độc. Bạn bè năm xưa đều từ chối giao thiệp cùng ông, cũng chẳng có người phụ nữ nào tình nguyện gả cho một kẻ đã từng làm nghề chém đầu người.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, Đặng Hải Sơn năm xưa từng xin gia nhập một thiện đường (cách gọi những nơi làm việc thiện vào thời Dân quốc). Thế nhưng ông đã bị cự tuyệt một cách thẳng thắn với lý do: "Từng giết mấy trăm người, không có tư cách bước vào thiện đường".
Cứ như vậy, đao phủ cuối cùng của lịch sử Trung Hoa đã phải trải qua những năm tháng cuối đời trong cô độc, day dứt và ám ảnh. Ông ra đi trong cảnh không gia đình, không con cái, ngay tới lúc chết cũng chẳng có ai đưa tiễn hay lo ma chay, hương khói.
Giờ đây mỗi khi nhắc tới kết cục của đao phủ họ Đặng này, không ít người vẫn cho rằng đó chính là "báo ứng" mà ông gặp phải vì đã cả gan phạm vào đại kỵ của nghề đao phủ.
|
|