Người lao động nổi giận với Tổng thống Pháp về chế độ lương hưu. Nhiều cuộc biểu tình diễn ra gay gắt. Bởi vậy tình hình giao thông ở Pháp bị gián đoạn nghiêm trọng trong ngày thứ hai công nhân ngành vận tải tiếp tục đình công.
Các công đoàn Pháp lên kế hoạch biểu tình với quy mô lớn hơn vào tuần tới. Ngày 5/12, các nhân viên đường sắt, nhân viên bệnh viện, nhân viên nhà máy lọc dầu, lao công, giáo viên, cảnh sát và lính cứu hỏa đã xuống đường tuần hành phản đối kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí quốc gia. Sang ngày thứ 2, các cuộc tuần hành không có dấu hiệu dừng lại. Ảnh: AP.
Các nhà chức trách ước tính ít nhất 800.000 người đã xuống đường trên toàn nước Pháp, trong khi các công đoàn lao động đưa ra con số 1,5 triệu người. Tổng thống Emmanuel Macron đối mặt thách thức lớn nhất kể từ khi cuộc biểu tình áo vàng chống chính phủ nổ ra vào năm ngoái. Ảnh: Getty.
Khả năng di chuyển giữa các thành phố của Pháp ngày hôm nay bị hạn chế nghiêm trọng. 9 trên 10 tàu cao tốc và 7 trong số 10 tàu tốc hành dừng hoạt động. Các ga xe lửa trên khắp đất nước gần như không một bóng người. Nhiều trường học vẫn đóng cửa. Ảnh: Reuters.
Tại Paris, hầu hết tàu điện ngầm và xe buýt đã ngừng hoạt động. Trên đường phố xuất hiện nhiều xe đạp hoặc xe máy điện đi lại. Người Paris buộc phải chọn các biện pháp thay thế phương tiện giao thông công cộng. Ảnh: Reuters.
Theo New York Times, tình hình dự kiến tiếp tục trong cuối tuần này và kéo dài sang đầu tuần tới. Cao trào được dự tính sẽ là cuộc biểu tình toàn quốc vào ngày 10/12 (thứ ba tuần tới). Các công đoàn lao động muốn biểu tình dữ dội trước ngày 11/12, thời điểm chính phủ dự kiến công bố chi tiết kế hoạch cải cách hưu trí. Ảnh: Reuters.
Các công nhân đường sắt SNCF của Pháp bỏ phiếu đình công tại ga đường sắt Nice hôm 6/12 trong khi các công nhân ngành vận tải Pháp tiếp tục phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của chính phủ Pháp. Ảnh: Reuters.
Bernadette Groison, người đứng đầu một trong những công đoàn giáo viên lớn nhất của Pháp, nói với phóng viên sau cuộc họp với các công đoàn khác hôm 6/12 rằng họ đã quyết định một cuộc đình công kéo dài. “Đây không phải hành động bộc phát kéo dài một vài ngày”, bà nói. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Pháp Édouard Philippe hôm 6/12 nói trên truyền hình rằng chính phủ đã quyết tâm tinh giản hệ thống lương hưu hào phóng của Pháp bằng cách kết hợp 42 cơ chế đặc biệt với hệ thống chấm điểm người lao động. Nhưng các công đoàn cho rằng việc áp dụng hệ thống hưu trí phổ quát đồng nghĩa với việc hàng triệu công nhân phải làm việc quá tuổi nghỉ hưu quy định 62 hoặc giảm tiền lương hưu. Ảnh: Reuters.
Ông Philippe nói rằng phải hủy bỏ các chế độ hưu trí đặc biệt dành cho công nhân đường sắt. “Cần mạnh tay và nhanh chóng đưa ra những thay đổi và điều chỉnh này. Hay chúng ta muốn để đấy, chần chừ khi nghĩ rằng vẫn còn thời gian?”, ông Philippe nói. Ảnh: Reuters.
Thủ thướng Pháp cũng cố gắng xoa dịu những người phản đối khi nói rằng không cần thiết một cuộc đối đầu. Ông nói rằng cải cách có thể đem lại những luật chơi “vô lý, không chấp nhận được, không công bằng” với những công nhân viên lựa chọn sự nghiệp của họ dựa trên quyền lợi của cơ chế cũ. Ông cũng hứa rằng lương hưu của giáo viên sẽ không giảm. Ảnh: Reuters.
Ông Philippe dự kiến tiết lộ các đề xuất về cơ chế lương hưu mới vào ngày 11/12, nhưng không rõ nó có thể xoa dịu người lao động hay không. Nhiều người biểu tình cương quyết tiếp tục xuống đường cho đến khi kế hoạch bị hủy bỏ hoàn toàn. Ảnh: AP.
Ông Philippe nói với các phóng viên tối 5/12 rằng mặc dù có xảy ra đụng độ rải rác giữa cảnh sát và các nhóm bạo lực, nhưng các cuộc biểu tình đa phần diễn ra khá ôn hòa trên khắp cả nước. Ảnh: AP.
Lãnh đạo liên đoàn lao động dự kiến gặp chính phủ vào thứ hai tới, ngày 9/12.
VietBF@ sưu tầm.