Trung Quốc nuôi mộng Tổng thống Trump tái đắc cử. Quả là điều khó hiểu khi ông Trump đã làm cho kinh tế Trung Quốc liêu xiêu trong hơn một năm qua. Có một nguồn tin chính trị giấu tên tại Bắc Kinh cho biết vì Trump là doanh nhân, họ "chỉ cần trả tiền là các vấn đề sẽ được giải quyết".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017. Ảnh: Reuters.
"Miễn là có tiền, chúng tôi có thể mua chuộc ông ấy. Đó là lý do chúng tôi thích Trump hơn phe Dân chủ", nguồn tin nói thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng kịch liệt lên án Trung Quốc vì những hoạt động thương mại không công bằng, gọi nước này là "mối đe dọa với thế giới" và coi Chủ tịch Tập Cận Bình là "kẻ thù". Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng gần đây vẫn gửi lời chúc mừng 70 năm quốc khánh Trung Quốc và cho biết quan hệ với ông Tập "rất tuyệt vời" bất chấp "xung đột nhỏ" về thương mại.
Theo bình luận viên Anna Fifield của Washington Post, dù quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh lạnh nhạt trong 18 tháng qua vì chiến tranh thương mại, nhiều người trong chính quyền Trung Quốc vẫn hy vọng Trump tái đắc cử vào năm sau. Tổng thống Mỹ dường như khó đoán, nhưng giới chức Trung Quốc đánh giá cách tiếp cận mang tính "đổi chác" của ông có lẽ dễ chịu hơn một tổng thống nguyên tắc, bất kể tới từ đảng Dân chủ hay Cộng hòa.
Những dòng tweet không được "sàng lọc" của Trump giúp Trung Quốc rất nhiều trong các cuộc đàm phán bởi ông "dễ đọc vị", cựu thứ trưởng thương mại Trung Quốc Long Yongtu phát biểu trong một hội nghị ở Thâm Quyến hồi đầu tháng. "Chúng tôi muốn Trump tái đắc cử và sẽ rất vui mừng nếu điều đó xảy ra", ông nói.
Yan Xuetong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cũng đánh giá nhờ Trump mà Trung Quốc giờ đây đứng trước "cơ hội chiến lược tốt nhất" kể từ sau Chiến tranh Lạnh. "Trump đã làm suy yếu hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu, giúp cải thiện môi trường quốc tế của Trung Quốc", Yan giải thích.
Bình luận viên Fifield cho biết các chính phủ khắp thế giới, từ đồng minh của Mỹ như Australia và Hàn Quốc, tới đối thủ như Iran và Triều Tiên, đều phải điều chỉnh chiến lược theo phong cách khác thường của Trump. Tuy nhiên, Trung Quốc có lẽ là nước "sửng sốt" nhất với lập trường của Tổng thống Mỹ.
Theo giới phân tích, Bắc Kinh từng đánh giá thấp Trump khi cho rằng ông chỉ cần chiến thắng chớp nhoáng, nhưng họ không ngờ tới sự quyết liệt của ông trong việc tái cân bằng quan hệ thương mại và biến Trung Quốc thành kẻ thù công khai của cử tri Mỹ. Một nguồn tin cũng cho biết các lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận không lường trước những động thái của họ khiến lưỡng đảng ở Mỹ quan ngại đến mức nào.
Tuy nhiên, sau gần hai năm "tham chiến thương mại" và ba năm Trump cầm quyền, giới chức Trung Quốc đã học được "nghệ thuật" đối phó với Trump. Hơn nữa, Trump được cho là không đối lập với Trung Quốc về mặt tư tưởng. "Ông ấy không gay gắt trong vấn đề Tân Cương hay Biển Đông", nguồn tin từ Bắc Kinh cho hay.
Trong khi đó, một tổng thống Dân chủ gần như chắc chắn sẽ có cách tiếp cận rộng hơn với Trung Quốc. Các ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 của đảng Dân chủ kịch liệt lên án nước này trong cuộc tranh luận tuần trước. Một số ứng viên cam kết tăng áp lực lên Bắc Kinh về vấn đề Tân Cương hay Hong Kong nếu đắc cử.
"Trump dường như không quan tâm và thường không giải quyết các vấn đề về Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương, tự do và mở cửa ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu nhận định của tôi chính xác, ông ấy sẽ sẵn sàng đem những vấn đề này ra trao đổi trong đàm phán với Trung Quốc", Elizabeth Economy, giám đốc nghiên cứu châu Á tại nhóm cố vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Mỹ, cho biết.
Khả năng trên được cho là thể hiện qua việc Trump ám chỉ không ký dự luật về Hong Kong đã được quốc hội Mỹ thông qua giữa lúc đang đàm phán thương mại với Trung Quốc. "Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi cũng ủng hộ Chủ tịch Tập Cận Bình", Trump phát biểu hôm 22/11, nói thêm rằng "sẽ rất tuyệt" nếu đạt thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, bình luận viên Fifield cho rằng Trung Quốc sẽ không vì thế mà "lỏng tay" với Trump. Bằng chứng là hiện chưa có tiến triển nào rõ rệt trong việc thúc đẩy ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Tổng thống Mỹ đặt nhiều kỳ vọng.
Trump nhấn mạnh Bắc Kinh chưa có thái độ thiện chí cần thiết trong các cuộc đàm phán và bản thân nước này cũng đang chịu nhiều áp lực về kinh tế, nhưng các lãnh đạo Trung Quốc vẫn duy trì chiến thuật "câu giờ", dù giới phân tích đánh giá nhiều điều khoản trong thỏa thuận hiện nay có lợi cho Bắc Kinh.
"Giới chức Trung Quốc sẽ tự hỏi tại sao họ phải tặng Mỹ một thỏa thuận toàn diện trong khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần. Nếu bây giờ cho Mỹ quá nhiều thứ thì họ biết phải lấy gì ra để trao đổi với Trump trong nhiệm kỳ thứ hai của ông ấy đây?", Paul Haenle, cố vấn về châu Á trong chính quyền cựu tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama, cho hay.
Fifield cho biết xung đột thương mại sẽ chỉ trở nên khó khăn hơn với Trung Quốc khi tiến trình đàm phán bước sang giai đoạn mới. Tới lúc đó, các nhà đàm phán phải thảo luận về những vấn đề cốt lõi khiến Mỹ lo ngại từ lâu, như cáo buộc Trung Quốc ép giới đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ và việc Bắc Kinh trợ cấp cho các công ty nhà nước.
"Do cuộc bầu cử năm 2020 đang tới gần, chính quyền Trump có nguy cơ chấp nhận một thỏa thuận hời hợt để sở hữu thành tích thu hút cử tri. Điều này có thể khiến Mỹ 'mất uy' khi hai bên thảo luận về các vấn đề dài hạn hơn trong quan hệ song phương", theo chuyên gia Alison Szalwinski tại Cục Nghiên cứu châu Á Quốc gia của Mỹ.
Đến lúc đó, quốc hội Mỹ có lẽ thực sự đau đầu bởi họ đang xem xét khoảng 25 dự luật và nghị quyết liên quan tới Trung Quốc. Quốc hội cùng một số cơ quan chính phủ, như Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ, có quyền tương đối tự do trong việc chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề như Tân Cương và Biển Đông, miễn là chúng không xung đột với những ưu tiên của Trump. Tuy nhiên, nếu Trump "gật đầu" với Bắc Kinh, các động thái này khó có thể tiếp tục.
Trong khi Trump đang nỗ lực tại vị thêm bốn năm nữa, ông Tập lại không bị giới hạn nhiệm kỳ, đồng nghĩa với việc Chủ tịch Trung Quốc có thể đồng ý với thỏa thuận giai đoạn một để tạo điều kiện "câu giờ" mà không cần nhượng bộ thêm.
"Trì hoãn thỏa thuận thêm 8, 9 tháng hay một năm không phải vấn đề lớn với ông Tập, bởi dường như ông ấy sẽ nắm quyền lâu dài. Do đó, ông Tập chắc chắn đang tính toán xa hơn nhiều so với Tổng thống Mỹ hiện nay", chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học California Victor Shih nhận định.
VietBF@ sưu tầm.